Đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi:

Đơn giản, khoa học, phù hợp thông lệ quốc tế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, nội dung dự thảo tờ trình và đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi đã thể hiện được tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản và khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo
Xuất phát từ yêu cầu hội nhập  

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN về đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này sẽ thay thế cho Luật Quản lý thuế 2006 và 3 Luật sửa đổi, bổ sung các năm 2012, 2014 và 2016. 

Cũng theo ông Huy, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định đa phương, song phương, trong lĩnh vực thuế; trong đó đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 76 nước và vùng lãnh thổ; hiện đang nghiên cứu tham gia Diễn đàn Hợp tác triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện tại đã có những điểm chưa được quy định hoặc quy định không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết hiệp định thuế đa phương, triển khai BEPS...

Về các nội dung sửa đổi, ông Huy cho biết, phạm vi điều chỉnh sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan quản lý thuế và cơ quan khác của nhà nước thu, theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật Quản lý thuế sửa đổi còn giải thích rõ về các khoản thu khác thuộc NSNN. Trong phạm vi điều chỉnh, cơ quan soạn thảo đề xuất cơ quan thuế thu khoản thu BHXH. Về vấn đề này, ông Huy giải thích, đề xuất này là phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). 

Liên quan đến nội dung quản lý thuế, ông Huy cho biết, dự kiến có hai phương án sửa đổi: Một là sửa nội dung liên quan đến phương thức giao dịch truyền thống bằng cách sửa đổi câu chữ phù hợp với phương thức giao dịch điện tử; hai là bỏ chương đó thay bằng chương mới quy định về phương thức giao dịch điện tử. Cùng với việc sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi thủ tục liên quan đến quản lý thuế theo đúng Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN.

Về việc quản lý thuế kinh doanh qua thương mại điện tử, theo ông Huy, đây là lĩnh vực quản lý thuế khó, không chỉ riêng Việt Nam mà cả ở các nước phát triển. Ông Huy nói rõ, cần phải sửa đổi nội dung để phù hợp với quản lý thuế và thực tế quản lý thương mại điện tử. Thời gian qua, tuy Nhà nước đã có các văn bản liên quan nhưng chưa đảm bảo để quản lý được tận gốc vấn đề.

Tác động tích cực tới doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá cao nội dung dự thảo tờ trình và đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Theo ông Tuấn, dự thảo luật có những nội dung quy định quan trọng như việc thúc đẩy giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử nên sẽ có nhiều tác động tích cực tới DN, bởi xu hướng cải cách, tần suất kê khai, giao dịch điện tử, giấy tờ phối hợp với các cơ quan liên quan rất lớn. 

Cũng theo ông Tuấn, việc thành lập cơ quan điều tra thuế hay thu thuế có kết hợp với BHXH như dự thảo luật sẽ có lợi cho những DN làm ăn chân chính và bất lợi cho những DN làm ăn không đàng hoàng; đồng thời đặt ra bài toán kết hợp nguồn lực giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH. Ngoài ra, khối lượng bổ sung rất lớn, với 22 chương mới, sửa đổi 51 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành, nhưng ông Tuấn cho rằng, với cách làm cởi mở, công khai minh bạch của ban soạn thảo sẽ đáp ứng được nhu cầu, mong muốn thay đổi trong quản lý thuế của các DN.

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị bổ sung nội dung kết nối cơ sở dữ liệu giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Theo bà Cúc, việc quản lý hóa đơn, kể cả hóa đơn điện tử chỉ xác thực được hoạt động đó có hóa đơn mà chưa xác thực chính xác được hoạt động đó có hàng hóa hay không. Bà Cúc lấy ví dụ ở Nhật Bản, tất cả các siêu thị đều kết nối với cơ quan thuế. Vì vậy, họ có thể quản lý được luồng tiền, đảm bảo hoàn thuế đúng. 

Về nội dung bỏ tờ khai quyết toán thuế và lồng ghép khai quyết toán thuế vào báo cáo tài chính, bà Hà Thị Tường Vy, Tổng thư ký Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) cho biết, làm như vậy sẽ dẫn đến việc không độc lập giữa công tác kế toán, lập báo cáo tài chính và kê khai thuế, trái với định hướng xây dựng chế độ kế toán Việt Nam, tách rời giữa kế toán và thuế của Bộ Tài chính. Theo bà Vy, nếu gộp chung thì công tác hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính chủ yếu phục vụ mục đích thuế mà không phải cho mục đích quản trị doanh nghiệp. Bà Vi cũng đề nghị nên rút ngắn thời gian thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế để DN có thời gian tập trung vào công việc.