Các thương hiệu thức ăn nhanh:

Đưa vào kế hoạch thanh tra doanh nghiệp liên tục báo lỗ

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Liên quan đến vụ việc báo chí thông tin về thương hiệu thức ăn nhanh Lotteria đã vào Việt Nam 13 năm, doanh thu mỗi tháng từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng nhưng năm nào cũng báo lỗ, Tổng cục Thuế cho biết sẽ rà soát, đưa vào kế hoạch thanh tra đối với các doanh nghiệp này.

Nhiều chuỗi thức ăn nhanh của nước ngoài liên tục báo lỗ hàng chục năm liền khiến dư luận đặt câu hỏi rằng, liệu có dấu hiệu chuyển giá? Ảnh minh họa.
Nhiều chuỗi thức ăn nhanh của nước ngoài liên tục báo lỗ hàng chục năm liền khiến dư luận đặt câu hỏi rằng, liệu có dấu hiệu chuyển giá? Ảnh minh họa.

Các chuỗi bán thức ăn nhanh có thực sự lỗ?

Theo phản ánh của báo chí, thương hiệu thức ăn nhanh Lotteria đã vào Việt Nam hơn 13 năm, doanh thu mỗi năm đạt 1.300 - 1.500 tỷ đồng, nhưng năm nào cũng báo lỗ. Năm Lotteria báo lỗ ít nhất là 20 tỉ đồng (2017), nhiều nhất là 135 tỉ đồng (2016). Lũy kế đến năm 2017 lỗ hơn 430 tỉ đồng, tương đương vốn điều lệ của công ty. Ngoài Lotteria, hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh khác như: Jollibee, KFC, McDonald’s cũng triền miên báo lỗ.

Thực tế này cho thấy có sự bất thường, bởi nếu lỗ liên tục 13 năm liền thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại được như hiện nay, chứ chưa nói đến chuyện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do đó, dư luận đặt câu hỏi rằng, liệu đây có phải là hiện tượng chuyển giá? Cơ quan thuế cần vào cuộc thanh kiểm tra đối với các thương hiệu nước ngoài liên tục báo lỗ, nhưng không ngừng mở rộng đầu tư kinh doanh, để làm cơ sở tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Trước vấn đề trên, một cán bộ của Tổng cục Thuế cho biết, việc kê khai thua lỗ của các doanh nghiệp nước ngoài có thể do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, thâm nhập thị trường mới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bất lợi như cạnh tranh, suy thoái kinh tế…

Các nguyên chủ quan có thể do doanh nghiệp lợi dụng sự khác biệt trong chính sách thuế giữa các quốc gia, vùng miền để thực hiện sắp xếp các giao dịch tránh, né thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận là vấn đề thường phát sinh đối với các doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết.

“Trong thời gian qua, để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động giao dịch liên kết, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan” - vị cán bộ này cho biết.

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để chống chuyển giá

Theo vị cán bộ của Tổng cục Thuế, hiện nay Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2017/TT-BTC về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đồng thời, đã chỉ đạo cơ quan thuế tích cực tuyên truyền, tập huấn, phổ biến nội dung chính sách mới đến cộng đồng người nộp thuế qua nhiều kênh khác nhau như báo, đài, truyền hình, trang tin điện tử của Bộ Tài chính, trang tin điện tử của cơ quan thuế các cấp, các hội nghị tập huấn chính sách…

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng các quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Thông tư số 41/2017/TT-BTC thực hiện kê khai, nộp thuế nghiêm túc, kịp thời.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách pháp luật nêu trên, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo ngành Thuế tập trung chú trọng triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp quản lý thuế từ khâu tuyên truyền, hỗ trợ, giám sát kê khai cho đến phân tích rủi ro và lựa chọn các trường hợp để thanh tra, kiểm tra.

Về phía Tổng cục Thuế cũng rất quan tâm, chú trọng xây dựng lực lượng chuyên trách thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống chuyển giá.

“Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế tập trung chú trọng vào việc thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết kê khai thua lỗ thường xuyên. Đây là một trong những tiêu chí ưu tiên để xác định các đối tượng có rủi ro ngay từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã từng bước được tăng cường và đẩy mạnh với kết quả triển biến tốt qua các năm” - vị cán bộ của Tổng cục Thuế cho biết.

Cũng theo vị cán bộ này, đối với thông tin báo chí phản ánh về một số doanh nghiệp cụ thể, hiện nay cơ quan thuế đang tiếp tục rà soát thông tin để đánh giá, phân tích và đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.