Giải quyết hồ sơ hoàn thuế: Sẽ áp dụng phương pháp quản lý rủi ro

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cũng như xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế sẽ được thực hiện theo phương pháp quản lý rủi ro.

Bộ phận "một cửa" Cục Thuế Đồng Tháp.
Bộ phận "một cửa" Cục Thuế Đồng Tháp.

Nội dung này sẽ được Tổng cục Thuế thực hiện chính thức từ 1/10/2017 đối với 6 tỉnh, thành phố, sau đó mở rộng áp dụng trên phạm vi toàn quốc vào năm 2018.

Triển khai chính thức từ 1/10

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện Bộ Tài chính đã chấp thuận việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác phân loại giải quyết sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và lựa chọn doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT theo lộ trình. Theo đó, việc áp dụng quản lý rủi ro trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cũng như xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 áp dụng tại 6 cục thuế là: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng từ ngày 1/10/2017; giai đoạn 2 áp dụng tại 13 cục thuế điều tiết ngân sách trung ương, gồm 6 cục thuế đã triển khai giai đoạn 1 và thêm 7 cục thuế: Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc từ ngày 1/4/2018; giai đoạn 3 áp dụng tại 63 cục thuế từ ngày 1/7/2018.

“Việc thực hiện quản lý rủi ro trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế sẽ được thực hiện chính thức theo lộ trình, bắt đầu từ 1/10, không thực hiện thí điểm như các dịch vụ khác mà Tổng cục Thuế đã triển khai trước đây”, ông Nam thông tin.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, để thực hiện Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngoài thực hiện quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế đã tích cực thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và hóa đơn điện tử.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 30/6, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các chi cục thuế trực thuộc; với 595.343 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,77% trên tổng số 596.713 DN đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 41,4 triệu hồ sơ.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, cùng với việc đẩy mạnh khai thuế điện tử, Tổng cục Thuế cũng đã mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử. Hiện nay đã có 45 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến 30/6 đã có 587.463 DN trên tổng số 596.713 DN đang hoạt động thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 98,45%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 577.488 DN, chiếm tỷ lệ 96,78% trên tổng số DN đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN từ 1/1/2017 đến nay là 254.100 tỷ đồng với 1.528.121 giao dịch nộp thuế điện tử.

Thanh tra, kiểm tra những DN có rủi ro

Cùng với việc thực hiện quản lý rủi ro trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, Tổng cục Thuế cũng sẽ từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ cơ chế quản lý thuế theo rủi ro. “Để việc thanh tra, kiểm tra không chồng chéo, không gây phiền hà cho DN, đảm bảo mỗi DN một năm thanh tra không quá 1 lần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chúng tôi sẽ căn cứ vào cơ sở dữ liệu để lựa chọn những DN thuộc diện phải thanh tra, kiểm tra. Chỉ những DN có rủi ro cao về thuế mới đưa vào kế hoạch thanh tra, tuyệt đối không thanh tra những DN chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế”, ông Nam nói.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cũng như đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành Thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh. Thực hiện báo cáo đánh giá kết quả triển khai thí điểm tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định về việc mở rộng triển khai khai và nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử đối với thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản...

Để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các vướng mắc, tồn tại về cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi, với mục tiêu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. “Hiện nay Tổng cục Thuế đang hoàn thiện dự thảo sửa luật sửa 5 luật, Luật Quản lý thuế (sửa đổi); xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; các thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật để có thế đưa vào áp dụng trong cuộc sống”, ông Nam cho biết.