Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng:

Giao nhiệm vụ thu nợ đến từng công chức thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ông Nguyễn Trọng Thoan - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan thuế, 6 tháng đầu năm, đơn vị đã thu được hơn 148 tỷ đồng nợ thuế.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng (đứng giữa) kiểm tra việc dán tem đồng hồ cột bơm xăng để chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu
Cán bộ Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng (đứng giữa) kiểm tra việc dán tem đồng hồ cột bơm xăng để chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu

Số nợ trên tổng thu ngân sách 6 tháng chỉ chiếm 1,5%. Để giảm số nợ thuế ở mức thấp nhất, Cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, từng chi cục, từng đội thuế, thậm chí đến từng công chức thuế.

6 tháng thu hơn 148 tỷ đồng nợ thuế

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt gần 3.000 tỷ đồng, đạt 56% dự toán trung ương giao, 51% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó thuế, phí đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương, 50% dự toán địa phương giao, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng số tiền nợ thuế đã thu được trong 6 tháng là 148,550 tỷ đồng. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ hơn 141,3 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế hơn 7,2 tỷ đồng. Riêng số tiền nợ thuế năm 2016 chuyển sang thu đạt hơn 73% (trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ chiếm 61,9%, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 11,3%). Tổng số tiền thuế nợ đến thời điểm 30/6/2017 là hơn 343,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là hơn 259,2 tỷ đồng; nợ chờ điều chỉnh, xử lý là 5,7 tỷ đồng; nợ có khả năng thu là gần 79,5 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ chiếm 1,5% so với tổng số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý (thấp hơn chỉ tiêu 5% theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế).

Đại diện Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay từ đầu năm đơn vị đã triển khai, phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các phòng nghiệp vụ, các đội nghiệp vụ thuộc chi cục để áp dụng các biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, ban hành thông báo số tiền nợ thuế, xử lý nợ sai, nợ ảo một cách kịp thời, hiệu quả. “Hàng tháng, trước khi khoá sổ kế toán, chúng tôi đã tiến hành rà soát số liệu trên sổ theo dõi tình hình nợ thuế trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), phân tích nợ và đối chiếu số liệu với tờ khai, giấy nộp tiền. Đồng thời, chúng tôi xác định nguyên nhân chênh lệch, tiến hành điều chỉnh kịp thời, làm cơ sở ban hành Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp, thực hiện các biện pháp cưỡng chế đảm bảo chính xác, kịp thời góp phần vào giảm nợ đọng thuế”, ông Thoan nói.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nợ thuế, công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế lớn; phối hợp với cơ quan công an để xử lý nợ đọng thuế và xác minh nhân thân đối với những trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, tập trung triển khai công tác thu hồi nợ đối với số thuế lập bộ, qua thanh tra, kiểm tra hoặc kết luận của kiểm toán, thanh tra nhà nước, triển khai hoạt động của đoàn chống thất thu, trong đó tập trung các trường hợp nợ thuế lớn, kéo dài..., nhờ đó tình trạng nợ thuế đã giảm đáng kể.

Phấn đấu số nợ không vượt quá 2,5%

Mặc dù chỉ tiêu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao cho các cục thuế không để nợ thuế vượt quá 5% tổng thu ngân sách do đơn vị quản lý, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nợ đọng đến 31/12/2017 không quá 2,5% trên tổng số thu do cơ quan thuế quản lý. 

“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã giao nhiệm vụ thu hồi tiền thuế nợ chi tiết theo từng doanh nghiệp đến các phòng, các chi cục thuế và phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo Cục Thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng và từng công chức làm nhiệm vụ thu tiền thuế nợ. Các đơn vị tiến hành rà soát, đối chiếu xác định chính xác số tiền thuế nợ của từng doanh nghiệp để triển khai các giải pháp thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước và không để phát sinh nợ mới; tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng ngày, hàng tuần; hàng tháng đánh giá tình hình thực hiện của từng phòng, từng chi cục thuế”, ông Thoan cho biết.

Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng sẽ tổ chức làm việc với các tổ chức, cá nhân còn tiền thuế nợ đến ngày 30/6/2017. Từ đó phân loại nợ thuế và có các biện pháp phù hợp để xử lý nợ đọng thuế cho từng trường hợp cụ thể. Đối với một số doanh nghiệp có địa chỉ kinh doanh ổn định, ít rủi ro, có lịch sử thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, nay gặp nhiều khó khăn còn tiền thuế nợ, cơ quan thuế tiến hành áp dụng nộp dần tiền thuế nợ để giảm dần nợ cũ, không để nợ mới phát sinh, nhằm đảm bảo vừa thu được tiền thuế nợ, vừa tạo điều kiện doanh nghiệp bớt khó khăn, tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế còn nợ thuế như cấp hóa đơn lẻ cho người nộp thuế để duy trì sản xuất kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế để ổn định sản xuất kinh doanh.