Linh hoạt “cứu” doanh nghiệp

Làm thế nào để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu? Đây là đòi hỏi đặt ra với công tác thuế, đó là các chính sách thuế phải kịp thời và linh hoạt, đảm bảo cứu DN, nuôi dưỡng nguồn thu.

Thực tế, mỗi khi đối mặt với khó khăn, “liều thuốc” hữu hiệu nhất giúp các DN vượt qua là chính sách tài chính, trong đó có các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế. Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách về thuế hỗ trợ DN đã trở thành “lực kéo” quan trọng, giúp DN thoát khỏi tình cảnh khó. Từ đầu năm 2012 đến nay, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, một gói giải pháp thuế hỗ trợ toàn diện hơn cho DN (gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN sử dụng nhiều lao động sẽ được gia hạn 6 tháng nộp thuế GTGT của tháng 4, 5 và 6 năm 2012, gia hạn 9 tháng nộp thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước. Cùng với đó, ngay trong tháng 7, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 60/2012/NĐ-CP với nội dung chính là giảm 30% số thuế TNDN năm 2012 cho hai nhóm DN nêu trên. Tính đến hết tháng 10/2012, ngành Thuế đã miễn, giảm, gia hạn gần 17.375 tỷ đồng tiền thuế cho DN. Trong đó, gia hạn khoảng 11.125 tỷ đồng tiền thuế GTGT các tháng 4,5,6/2012 cho khoảng 190.000 DN; gia hạn 3.327 tỷ đồng nợ thuế TNDN cho khoảng 77.300 DN; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 3.610 DN với số tiền là 445 tỷ đồng; miễn hoàn thuế môn bài khoảng 10 tỷ đồng cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản, làm muối… Cũng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế mà chỉ số hàng tồn kho của các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm từ 34,9% trong tháng 3 xuống còn khoảng 20% tính đến cuối quý III/2012.

Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra mới đây cũng cho thấy, việc triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ về thuế trong thời gian qua là “liều thuốc hoàn sinh” cho nhiều DN. Theo đó, 96,7% DN cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh từ nay đến hết năm và 18,1% DN được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh đến cuối năm 2012… Hoặc đơn cử như việc giãn thuế VAT 3 tháng giúp cho khoảng 200.000 DN được thụ hưởng chính sách này với số tiền là 11 nghìn tỷ đồng, điều này là vô cùng quan trọng trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Nuôi dưỡng nguồn thu

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc linh hoạt trong các cơ chế chính sách thuế nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thì việc nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cũng hết sức quan trọng. Lường trước được những khó khăn đặt ra, ngành Thuế đã xác định phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trên địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định, vững chắc. Mặt khác, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng năng lực sản xuất mới, ổn định thị trường; Tổ chức giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của DN liên quan việc thực hiện nghĩa vụ thuế… chính là những động thái tích cực nuôi dưỡng nguồn thu.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đã nỗ lực triển khai một số giải pháp mang tính trọng tâm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, đồng thời đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Cụ thể: Tăng cường đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng với các buổi đối thoại thường niên giữa Bộ Tài chính (lĩnh vực thuế, hải quan) định kỳ hàng quý, các cục thuế tổ chức đối thoại với DN trên địa bàn để kịp thời nắm bắt và giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; Đẩy mạnh rà soát, đánh giá lại các nguồn thu, nhất là các nguồn thu không ổn định, những khoản thu, sắc thuế còn thất thu, các nguồn thu còn tiềm năng như đẩy mạnh các biện pháp quản lý thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản; Đẩy mạnh tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn 100% so với số cần phải kê khai nghĩa vụ thuế theo chế độ quy định; Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế nhằm chống thất thu, các đơn vị trong toàn Ngành tăng cường đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh. Thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ thuế cụ thể cho từng đơn vị, phấn đấu trong những tháng cuối năm 2012, thu đạt tối thiểu 80% số nợ thuế có khả năng thu năm 2011 chuyển qua và bảo đảm đến cuối năm số nợ thuế ở mức dưới 3-4% tổng thu ngân sách.

Cùng với các giải pháp trên, Tổng cục Thuế xác định cần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; thực hiện mở rộng dịch vụ đăng ký thuế, khai thuế điện tử; hệ thống nhận tờ khai thuế qua mạng và kê khai thuế trực tuyến, nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, kết nối thông tin giữa bốn ngành thuế - hải quan - kho bạc - tài chính trên tất cả các địa bàn. Tăng cường xử lý hàng tạm nhập tái xuất; hành vi chống chuyển giá; hành vi lợi dụng tăng giá nhằm thu lợi bất chính, định giá bất hợp lý, đầu cơ nâng giá...; Theo dõi kịp thời biến động về giá cả để thu đầy đủ các khoản thu vào NSNN.

                                                                                                                                    Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 11-2012

Hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu

TS. Phạm Tiến Hưng

(Tài chính) Những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Để vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế. Đây là một trong những giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu…

Xem thêm

Video nổi bật