Hội thảo “Thực hiện pháp luật xác định giá chuyển nhượng”

Theo Tạp chí Thuế

Trong khuôn khổ “Chương trình Hỗ trợ Việt Nam áp dụng và thực thi pháp luật về xác định giá chuyển nhượng” của OECD, vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội thảo 5 ngày với chủ đề “Thực hiện pháp luật xác định giá chuyển nhượng”. Tại hội thảo, các chuyên gia về giá chuyển nhượng (GCN) của Việt Nam, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước.

Hội thảo “Thực hiện pháp luật xác định giá chuyển nhượng”
Ảnh minh họa
Kinh nghiệm quốc tế
 
Nguyên tắc chung để thực hiện pháp luật xác định GCN có hiệu quả là một hệ thống pháp luật toàn diện, bao gồm các biện pháp đơn phương (GAAR - General Anti-avoidance Rules) và song phương để chống tránh thuế một cách gian lận. Trong điều kiện chưa ban hành được một hệ thống toàn diện như vậy, các quốc gia có thể ban hành các nguyên tắc chống tránh thuế, nhằm vào các giao dịch nhất định (SAAR - Specific Anti-avoidance Rules); bao gồm các quy định về xác định GCN và đi liền với nó là quy định về xác định giá trước (APA) và thủ tục thoả thuận song phương (MAP); công ty nước ngoài bị kiểm soát (CFC), chủ sở hữu thực hưởng. Có quốc gia ban hành cả GAAR và SAAR như Trung Quốc. Các biện pháp đa phương về chống tránh thuế gian lận được thực hiện chủ yếu qua hệ thống các hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quy định về giới hạn hưởng lợi hiệp định trao đổi thông tin, thủ tục thoả thuận song phương. Tại hội thảo, phần trình bày về hệ thống pháp luật chống tránh thuế của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự hài hoà tương đối rõ.

Đối với Malaysia, các biện pháp GAAR cho phép Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thể bỏ qua hoặc thay đổi bất kỳ giao dịch nào và thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh nào, nếu thấy cần thiết và thích hợp để đối phó đối với toàn bộ hoặc một phần tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của giao dịch, khi giao dịch có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, tránh thuế hoặc trốn thuế. Trong khi đó, trên phương diện SAAR, Malaysia chỉ quy định hai biện pháp là xác định GCN (qui định về APA, còn MAP trên cơ sở từng trường hợp) và vốn hoá mỏng. Về các biện pháp đa phương, tại một số hiệp định có quy định điều khoản riêng về giới hạn hưởng lợi như hiệp định với úc, Anh, Nhật Bản. Malaysia luôn tự hào là một quốc gia thân thiện với DN, nên việc không ban hành các qui định bảo vệ nguồn thu và các nguyên tắc chống tránh thuế quá chặt chẽ là hoàn toàn phù hợp với chiến lược này.
 
Singapore ban hành GAAR từ năm 1988, trên cơ sở kinh nghiệm của úc và New Zealand. Theo đó, chánh thanh tra thuế có thể bỏ qua hoặc thay đổi bất kỳ giao dịch nào và thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với các giao dịch có mục đích trực tiếp, gián tiếp hoặc có tác động đến thay đổi nghĩa vụ kê khai thuế tại Singapore hoặc tránh thuế thu nhập theo qui định của Luật Thuế thu nhập Singapore. Tương tự Malaysia, trên phương diện SAAR, Singapore chỉ quy định hai biện pháp xác định GCN và vốn hoá mỏng. Tuy nhiên, các qui định về APA và MAP là rất chi tiết. Mặc dù GAAR được định hướng một cách rộng rãi, nhưng trong thực tế, cơ quan thuế Singapore luôn thể hiện quan điểm chỉ nhằm vào các kế hoạch tránh thuế được sắp đặt trước mà không nhằm vào các giao dịch thương mại đích thực, nhưng có các tác động tránh thuế ngẫu nhiên.
 
Thái Lan đã giới thiệu các quy định pháp luật về xác định GCN, APA và MAP từ năm 2002. Ngoài các quy định pháp lý này, Thái Lan chưa có quy định về GAAR, nhưng trên phương diện SAAR đã có quy định về vốn hoá mỏng, nhưng chưa có pháp luật về (CFC) và chủ sở hữu thực hưởng. Quan điểm của Thái Lan trong việc ban hành qui định pháp luật về xác định GCN là, để đảm bảo các bên liên kết tham gia vào các giao dịch với nhau, trên cơ sở nguyên tắc giá giao dịch độc lập. 

Như vậy, so với các nước trong khu vực, ngoài các quy định về GCN, Việt Nam chưa có các quy định pháp luật về APA, MAP, GAAR và SAAR. Tại Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, đã có các quy định cơ bản về APA. Tuy nhiên, vẫn cần có các quy định về vốn hoá mỏng, vì lợi dụng trốn thuế và tránh thuế qua các giao dịch tài chính là một xu hướng rất rõ trong các kế hoạch tránh thuế hiện nay trên phạm vi toàn cầu.
 
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 
 
Nhìn chung, các quốc gia đều tiếp cận với vấn đề xác định GCN khá sớm (Singapore từ 1994, Malaysia từ 2003 và Thái Lan từ 2002), các quốc gia này đều đã triển khai theo cách tiếp cận tổng thể. Và quá trình triến khai cho thấy, bốn đặc điểm có tính chất chung trong cách tiếp cận này.
 
Một là, cơ quan thuế phải có mục tiêu rõ ràng khi tiếp cận vấn đề xác định GCN, cũng như thanh tra GCN. Đó là mục tiêu đạt được số thu, hoặc là mục tiêu bảo đảm nguyên tắc giao dịch độc lập được tuân thủ trong các giao dịch liên kết, hoặc là kết hợp cả hai mục tiêu này. 
 
 Hai là, tổ chức việc xác định GCN, kể cả thanh tra xác định GCN theo hướng tập trung hoá. Cụ thể, trong trường hợp của Malaysia và Thái Lan, việc thanh tra xác định GCN đều được tiến hành tại Tổng cục Thuế. Tại Malaysia, việc xác định GCN được giao cho Vụ Thuế đa quốc gia thực hiện với bốn phòng (Phòng Chính sách và kiểm soát, Phòng Tuân thủ và xác định GCN, Phòng Thanh tra đa quốc gia và Phòng APA). Mỗi phòng theo chức năng của mình sẽ giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến xác định GCN. Tại Thái Lan việc thanh tra xác định GCN do Tổ thanh tra (16 tổ viên) của Vụ DN lớn thực hiện. Việc tập trung hoá như vậy sẽ rất hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ và chuyên gia về xác định GCN cũng như hình thành, khai thác và làm giàu kho dữ liệu tập trung. 
 
Ba là, hình thành kho dữ liệu tập trung, làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá rủi ro. Mặc dù tại hội thảo, các đại biểu không đề cập cụ thể đến các kho dữ liệu này, nhưng qua phần trình bày về quá trình lựa chọn DN để thanh tra xác định GCN, có thể thấy tất cả đều dựa vào các nguồn dữ liệu tập trung có sẵn. Malaysia đánh giá rủi ro qua các bước xem xét các nguồn thông tin phục vụ đánh giá rủi ro; sàng lọc dữ liệu theo các ngưỡng qui định trước, tiến hành phân tích các tỉ lệ tài chính, xác định các trường hợp cần thanh tra xác định GCN. Hoặc như Singapore đã xây dựng được mức lợi nhuận bình quân của các ngành nghề, làm cơ sở để phân tích rủi ro.  
 
Bốn là, tiếp cận từ các ngành đơn giản đến phức tạp, theo hướng ngày càng chuyên môn hoá. Đây chính là cách triển khai thanh tra xác định GCN của Singapore. Trong đó, giai đoạn đầu tiên 2008 - 2010, tập trung thanh tra xác định GCN vào lĩnh vực sản xuất chế tạo và các nhà phân phối bán buôn. năm 2011 tập trung thanh tra xác định GCN vào lĩnh vực sản xuất chế tạo và các nhà phân phối bán buôn trong lĩnh vực điện tử; và trong năm 2012 mục tiêu là lĩnh vực dịch vụ. Mỗi năm, cơ quan thuế Singapore thanh tra xác định GCN đối với 20 đến 25 trường hợp.