Mạnh tay quản lý nợ thuế

Theo baohaiquan.vn

Ráo riết thu đòi nợ thuế đã được Tổng cục Thuế và các cơ quan Thuế trên cả nước thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm.

Tính đến 28/2/2017, toàn ngành đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được khoảng 7.758 tỷ đồng tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017. Ảnh: Thùy Linh.
Tính đến 28/2/2017, toàn ngành đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được khoảng 7.758 tỷ đồng tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017. Ảnh: Thùy Linh.

“Mạnh tay” nhưng đi kèm với những biện pháp khắc phục, hỗ trợ, nhờ vậy công tác quản lý nợ thuế của ngành Thuế đã có kết quả khả quan và nhận được sự đồng thuận của người nộp thuế.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến 28/2/2017, tổng số tiền thuế nợ của 63 Cục Thuế là 75.319 tỷ đồng (không bao gồm tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ đang xử lý), tăng 1.175 tỷ và chiếm 8,1% tổng dự toán thu năm 2017. Nhóm tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 31.644 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 42% tổng số tiền thuế nợ).

Trong nhóm này, riêng các khoản nợ thuế, phí là 21.237 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% tổng số tiền thuế nợ. Theo lý giải của cơ quan Thuế, số nợ các khoản thuế, phí tăng lên do tháng 1 trùng với dịp nghỉ tết Nguyên đán, một số người nộp thuế kê khai phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa kịp thời nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đúng thời hạn quy định dẫn đến nợ thuế tăng lên. Ngoài ra, các khoản nợ liên quan về đất là 10.407 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,8% tổng số tiền thuế nợ.

Thống kê cũng cho thấy, các khoản phạt và tiền chậm nộp đến hết tháng 2 là 27.525 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 36,5% tổng số tiền thuế nợ). Số nợ này tăng so với thời điểm 31/12/2016 là 1,6%.

Đặc biệt, nhóm nợ không có khả năng thu (chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; liên quan đến trách nhiệm hình sự; đã giải thể, lâm vào tình trạng phá sản...) chỉ còn 16.150 tỷ đồng. Số nợ này đã giảm so với thời điểm 31/12/2016 là 207 tỷ đồng

(-1,3%). Con số không lớn nhưng đây là kết quả của các Cục Thuế đã tích cực rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục giải quyết các hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế, xoá nợ thuế, gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp không có khả năng thu hồi, điều chỉnh dữ liệu nợ tồn đọng của các trường hợp người nộp thuế ở trạng thái đã đóng mã số thuế kịp thời và đúng quy định, góp phần làm giảm tiền thuế nợ. Đồng thời một số cơ quan Thuế thực hiện phân loại lại, chuyển những trường hợp đã phân vào nợ khó thu nhưng phát hiện có khả năng thu hồi sang nhóm nợ có khả năng thu để thực hiện đôn đốc nợ và thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 28/2/2017, toàn ngành đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được khoảng 7.758 tỷ đồng tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017. Số thu này đạt tỷ lệ 16,4% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2016 (bao gồm cả tiền chậm nộp đến 90 ngày và trên 90 ngày). Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 6.378 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 1.380 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của cơ quan Thuế, ngay từ những ngày đầu năm, các Cục Thuế địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý nợ thuế bằng việc tích cực phân loại, rà soát và đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương có số nợ tăng cao trên mức 40 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu,

TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Theo Tổng cục Thuế, những địa phương này đang quyết liệt vào cuộc để đôn đốc nợ thuế, phân tích dữ liệu về doanh nghiệp để có những biện pháp răn đe phù hợp.

Đơn cử như tại Cục Thuế Hà Nội, từ đầu năm, đơn vị này liên tục thực hiện công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất trên địa bàn. Riêng với những doanh nghiệp có số nợ lớn, Cục Thuế Hà Nội đã tổ chức lắng nghe ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ, giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành nghĩa vụ thuế. Mới đây nhất vào ngày 23/3, 14 chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất với hơn 3.242 tỷ đồng như:

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao, Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát, Công ty TNHH Cầu 1 Thăng Long, Tổng công ty Thành An, Công ty CP đầu tư địa ốc ALASKA… đã có buổi làm việc với cơ quan Thuế để tìm giải pháp. Hầu hết các chủ đầu tư trên đều cam kết sẽ thực hiện nộp thuế trong tháng 4, chậm nhất là trước 30/4 sẽ hoàn tất.

Không chỉ riêng Cục Thuế Hà Nội, hiện các Cục Thuế trên cả nước đã thực hiện ráo riết công tác công khai danh tính đơn vị nợ các loại thuế phí trên địa bàn. Đồng thời từng bước thực hiện các biện pháp nghiêm khắc như cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản để răn đe. Bên cạnh đó, trên cơ sở những dữ liệu tổng hợp về doanh nghiệp, cơ quan Thuế cũng thực hiện công tác phân loại, tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp thực sự khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.