Minh bạch để người dân giám sát

Theo Hà An/daibieunhandan.vn

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Cao Tuấn Anh cho rằng, để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách thuế, một trong những giải pháp mà ngành thuế đưa ra là, tiếp tục đẩy mạnh phương pháp tuyên truyền hỗ trợ về thuế, thông tin về các chính sách, các thủ tục hành chính (TTHC) trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nộp thuế cùng biết. Sự minh bạch này sẽ giúp người nộp thuế giám sát tốt hơn việc thực thi của cán bộ thuế.

Công khai các TTHC thuế tại cơ quan thuế. Nguồn: Internet
Công khai các TTHC thuế tại cơ quan thuế. Nguồn: Internet
87% đơn vị kiến nghị về chính sách thuế nhận được phản hồi
 
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo cáo kết quả giám sát của các Hiệp hội và Liên minh Hợp tác xã về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP trong lĩnh vực thuế và hải quan năm 2017 cho thấy, trong quá trình thực hiện các TTHC thuế cũng như tuân thủ chính sách, pháp luật thuế, các doanh nghiệp, hợp tác xã khó tránh khỏi việc gặp các khó khăn, vướng mắc.
Các doanh nghiệp, hợp tác xác thường phản ánh các vướng mắc tới Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh hợp tác xã để kiến nghị cơ quan thuế giải quyết. Theo kết quả khảo sát năm 2017, có tới 64% đơn vị trả lời đã từng tiếp nhận kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến vấn đề thuế trong năm vừa qua.

Đánh giá về việc phản hồi từ ngành thuế, kết quả khảo sát cho thấy, có tới 87% đơn vị sau khi gửi kiến nghị tới cơ quan thuế đã nhận được phản hồi, chỉ có 13% Hiệp hội doanh nghiệp và Hợp tác xã không nhận được phản hồi từ cơ quan thuế.

Điều đáng chú ý là, tỷ lệ các đơn vị nhận được phản hồi có sự khác biệt theo cơ quan đã tiếp nhận phản hồi, 75% các đơn vị nhận được phản hồi từ Tổng cục Thuế. Trong khi đó, có tới 95% các ý kiến cho rằng nhận được phản hồi từ các Cục Thuế địa phương.

Đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh Hợp tác xã về việc giải quyết vướng mắc, khiếu nại của cơ quan Thuế cho thấy, có 63% cho rằng, việc giải quyết phần lớn các trường hợp luôn luôn là kịp thời, 54% nhận định việc giải quyết khiếu nại, vướng mắc là hiệu quả; 56% đánh giá việc giải quyết khiếu nại, vướng mắc theo quy trình giải quyết minh bạch và 51% đánh giá tốt về sự phối hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan khác trong việc giải quyết khiếu nại, vướng mắc về thuế.

Việc tiếp nhận và phản hồi ý kiến của Hiệp hội là rất cần thiết, tuy nhiên điều mà các doanh nghiệp và người nộp thuế quan tâm là cách giải quyết tháo gỡ những vướng mắc ấy như thế nào mới là quan trọng.

Theo ông Trương Văn Cẩm - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, những kiến nghị của các Hiệp hội thời gian qua được phản hồi rất nhanh. Tuy nhiên, việc trả lời, phản hồi rồi thì có giải quyết hay không, bao giờ giải quyết lại là vấn đề cần lưu tâm. Bởi thực tế, có vấn đề Hiệp hội kiến nghị nhưng mất 1 đến 2 năm vẫn chưa được giải quyết, ông Cẩm nói.

Chính sách thuế phải minh bạch, công bằng, dễ thực hiện

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với tiếp nhận và xử lý các vướng mắc về kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật và TTHC thuế từ cộng đồng kinh doanh, Bộ Tài chính và ngành thuế cần chủ động rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế. Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng chồng chéo, không đồng nhất trong một số văn bản quy phạm pháp luật về thuế hiện nay.

Việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thuế cần theo hướng nâng cao chất lượng xây dựng chính sách pháp luật về thuế, đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng, dễ thực hiện, tiến tới sự ổn định của chính sách trong trung hạn và dài hạn nhằm tránh gây khó khăn và thiệt hại cho người nộp thuế do biến động thường xuyên của chính sách của chính sách thuế.

Bên cạnh đó, cần thực hiện pháp điển hóa hệ thống pháp luật về thuế và Luật quản lý thuế nhằm đồng bộ và thống nhất các quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho cộng đồng kinh doanh tra cứu và tuân thủ.

Với phương châm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế,  Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Cao anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh phương pháp tuyên truyền hỗ trợ về thuế, thông tin về các chính sách, TTHC thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nộp thuế nắm được. Trên cơ sở đó, tạo cơ chế thuận lợi để giám sát việc thực thi chính sách pháp luật của cán bộ thuế.

Cùng với đó, ngành thuế sẽ đẩy mạnh triển khai các dịch vụ điện tử: kê khai thuế, nộp thuế, hóa đơn điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế khi tuân thủ các thủ tục về thuế. Đồng thời, Tổng Cục thuế đang triển khai dịch vụ Một cửa điện tử và  hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng Cục Thuế nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC về thuế được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Qua đó, góp phần nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế với các dịch vụ của cơ quan thuế. Ngoài ra, xây dựng đội ngũ cán bộ thuế chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới thông qua thực hiện chế độ công vụ và cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công chức trong công tác quản lý thuế và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với các khâu trong quản lý thuế, đảm bảo cải cách TTHC thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế, ngăn chặn tình trạng phòng ngừa các trường hợp gian lận, trốn thuế, chiếm dụng tiền hoàn thuế.