Ngành Thuế chủ động "đối diện" với cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào?

Theo: baohaiquan.vn

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính 2018 tổ chức ngày 26/9, chuyên đề Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế nhà nước đã cung cấp những thông tin về lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Thuế.

 Toàn cảnh Chuyên đề.
Toàn cảnh Chuyên đề.
Thời điểm thích hợp

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ yêu cầu mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi cơ quan nhà nước cũng phải chuyển động theo. Ngành Thuế cũng đã nhận thức được điều này và đang đặt ra yêu cầu lớn trong việc ứng dụng CNTT vào các khâu của quản lý.

Đối với ngành Thuế, thực tế cho thấy, phạm vi đối tượng quản lý thuế ngày càng rộng. Hiện con số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động đã tăng gấp rưỡi cho với 5 năm trước đây. Bên cạnh DN thì những đối tượng khác như cá nhân, người kinh doanh tăng lên ngày một nhiều. 

Theo đại diện Tổng cục Thuế, trong bối cảnh lượng thông tin quản lý tăng nhanh “chóng mặt” trong khi yêu cầu về tổ chức, bộ máy và biên chế đang phải cắt giảm, nếu ngành Thuế tiếp tục sử dụng cách thức quản lý như truyền thống trước đây thì sẽ không đảm bảo. Do vậy, cần phải đưa những công nghệ 4.0 mới nhất vào công tác quản lý thuế để đảm bảo được cơ sở dữ liệu lớn và áp dụng cơ chế quản lý rủi ro.

“Rõ ràng đến thời điểm này, không thể nói rằng ngành Thuế đã đạt đến trí tuệ thông minh nhưng trong nhiều năm trở lại đây toàn ngành đã liên tục hiện đại hoá với việc triển khai thuế điện tử. Đây là cơ sở tốt để hướng tới chuyển động số”, ông Nguyễn Đại Trí khẳng định.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để thực hiện chuyển động số, ngành Thuế sẽ cần nhiều yếu tố. Đầu tiên là cần phải thay đổi nhận thức của cán hộ lãnh đạo và công chức, nhân viên các bộ phận nghiệp vụ. Nếu nghĩ rằng cách mạng 4.0 và chuyển đổi số là công việc của cán bộ CNTT thì hoàn toàn sai lầm. Đây là việc của toàn ngành thuế, cần sự vào cuộc của toàn bộ lãnh đạo, cán bộ công chức ngành. Thứ hai là thay đổi tư duy trong cách thức quản lý. Thứ ba là thay đổi quy trình nghiệp vụ. Và cuối cùng là phải tăng cường các ứng dụng CNTT.

“Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BTC 2018 nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể. Đến thời điểm này, toàn ngành đã bắt đầu tiếp cận để triển khai các đầu công việc. Tới đây sẽ có nhiều việc cần phải làm. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất để chuẩn bị các nguồn lực, từng bước thực hiện chuyển động số lĩnh vực Thuế”, ông Trí khẳng định.

Lộ trình cụ thể

Chia sẻ về những công việc cụ thể mà ngành Thuế sẽ thực hiện để thực hiện kế hoạch hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 ngành Thuế, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, định hướng kế hoạch đến năm 2030, ngành Thuế sẽ hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử theo định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính. Đó là: Phát triển năng lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp 4.0; Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đo lường, đánh giá mức độ hài lòng của người dân; Đào tạo cán bộ thuế nâng cao năng lực ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Để làm được những điều này, đại diễn Tổng cục Thuế cho biết, trong giai đoạn 2018-2025, ngành Thuế sẽ  xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số (bao gồm: kế hoạch đến 2030, kế hoạch 5 năm, 10 năm). Cùng với đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số dựa trên kiến trúc Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực Thuế. 

Đặc biệt, ông Phạm Quang Toàn cho biết, ngành Thuế cũng sẽ thiết lập môi trường làm việc điện tử và kết nối với Cổng giao tiếp ngành Tài chính; triển khai dịch vụ hạ tầng và an toàn bảo mật thông tin tài chính. Song song với đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo kiến thức về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.