Ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu năm 2016

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước năm 2016 do ngành Thuế thực hiện ước đạt 838.500 tỷ đồng, bằng 103,6% dự toán pháp lệnh, tăng 4% so với thực hiện năm 2015.

Bộ phận "một cửa" Chi cục Thuế huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Bộ phận "một cửa" Chi cục Thuế huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Có được kết quả này là do ngành Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu một cách hiệu quả; sửa đổi chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Nhiều giải pháp chống thất thu hiệu quả

Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng thực hiện rà soát thông tin người nộp thuế (NNT) trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc NNT bổ sung thông tin thay đổi gửi cơ quan thuế để cập nhật phục vụ cho công tác quản lý thuế.

“Tổng cục Thuế cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế đối với DN có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến NNT, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó tạo thuận lợi cho NNT”, ông Nam cho biết.

Bên cạnh công tác quản lý thu, một trong những giải pháp rất quan trọng làm tăng thu NSNN là ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2016 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Hàng tháng, cơ quan thuế xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng NNT, từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, khu vực kinh tế, đồng thời, đề ra các biện pháp thực hiện kế hoạch có hiệu quả để đạt được chỉ tiêu.

Cũng trong năm 2016, ngành Thuế đã bố trí nguồn nhân lực, tập trung tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế. “Tổng cục Thuế thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm tra, nâng cao chất lượng phân tích hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra thuế. Bên cạnh đó, toàn hệ thống thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra các DN, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; thanh tra các DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; chuyển giá… Điều này đã góp phần chống thất thu rất hiệu quả, tăng thu cho NSNN”, ông Nam cho biết.

Sửa đổi chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, trong năm 2016, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội giảm mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 22% xuống 20% kể từ ngày 1/1/2016; bãi bỏ quy định khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại của DN; bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất đối với dự án sản xuất có quy mô lớn...

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ; không tính thuế GTGT đối với các mặt hàng đầu vào của sản xuất nông nghiệp như: Phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc đối tượng nộp thuế TNCN. Việc thu thuế TNCN đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn, áp dụng thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; áp dụng một phương pháp tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản.

Các quy định nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Cụ thể, giảm tối đa mức động viên từ khu vực sản xuất nông nghiệp thông qua việc đưa các loại hàng hóa vật tư, nguyên liệu, dịch vụ đầu vào thiết yếu của nông nghiệp vào nhóm đối tượng không phải chịu thuế GTGT. Mở rộng diện ưu đãi và tăng mức ưu đãi thuế đối với nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả hoạt động chế biến, khuyến khích DN đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng công nghệ cao…