Ngành Thuế muốn “làm đối tác tin cậy” của doanh nghiệp

Theo Báo Đầu tư

Lần đầu tiên một cơ quan quản lý nhà nước - ngành Thuế - công bố tuyên ngôn hành động với sự khẳng định trước người nộp thuế là: Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới.

Theo Quyết định 1766/QĐ-TCT về việc ban hành Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam vừa được ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ký ban hành thì ngành Thuế Việt Nam từ Trung ương tới địa phương không chỉ tiếp tục “sứ mệnh” quản lý thuế hiệu lực và hiệu quả; hỗ trợ mọi tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật thuế, mà còn xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính.

Trong tuyên ngôn của mình, ngành Thuế đặt quyết tâm trở thành cơ quan thuế hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; là đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực ASEAN.

“Chúng tôi coi trọng, xây dựng và gìn giữ giá trị Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính, Đổi mới”, người đứng đầu ngành Thuế khẳng định.

Cụ thể, ngành Thuế thực hiện quản lý thuế rõ ràng, công khai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân (minh bạch); có đầy đủ năng lực, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thành thạo, luôn tận tâm trong công việc và thân thiện với người nộp thuế (chuyên nghiệp); luôn tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách trung thực, đáng tin cậy (liêm chính); luôn đổi mới tư duy, hành động để quản lý thuế hiệu quả và mang lại giá trị tốt nhất cho mọi tổ chức, cá nhân (đổi mới).

“Chúng tôi cam kết nỗ lực đổi mới, tận tâm với sự nghiệp thuế và mong đợi các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng pháp luật thuế, cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Bùi Văn Nam khẳng định.

Liệu ngành Thuế có thực hiện được đúng “lời hứa” của mình hay không thì cần phải có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, việc ngành Thuế ra tuyên ngôn hành động ít nhiều cũng khiến người nộp thuế hài lòng vì có “thước đo” công chức thuế hay cơ quan thuế nào đó trong việc hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Theo ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, sự “phàn nàn” của doanh nghiệp về tình trạng công chức thuế sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà mỗi khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế hoặc cần hỗ trợ về thủ tục hành chính thuế đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng văn bản hướng dẫn thuế, công văn giải thích về thủ tục thuế khó hiểu, hiểu theo nhiều cách hoặc mỗi cơ quan thuế, công chức thuế hiểu một cách khác nhau khiến người nộp thuế gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Đây là một trong những lý do khiến Việt Nam trở thành một trong số ít nước mất nhiều thời gian làm thủ tục thuế nhất thế giới.

Để xử lý vấn đề này, trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành Thuế phải giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế để phấn đấu đến năm 2015 trở thành 1 trong 5 nước đứng đầu khu vực ASEAN được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế; có tối thiểu 60% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 50% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet, 70% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.

Đến năm 2020, Việt Nam phải là 1 trong 4 nước khu vực ASEAN được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế (thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế ngắn nhất); có tối thiểu 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet, 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc phát triển các dịch vụ thuế điện tử; đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet không chỉ góp phần giúp ngành Thuế đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế; nâng cao sự minh bạch, tính chuyên nghiệp trong thủ tục hành chính thuế mà còn góp phần tăng sự liêm chính của công chức thuế.

“Vì công chức thuế không có “cơ hội” gặp gỡ trực tiếp với người nộp thuế. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước nào cũng vậy, cứ công chức nhà nước và tổ người dân, tổ chức, doanh nghiệp gặp nhau thì thường sinh ra nhiều chuyện, trong đó không loại trừ có cả hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà của một số công chức nhà nước”, ông Tuấn giải thích.