Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những dấu ấn quan trọng của ngành Thuế năm 2012 là việc Tổng cục Thuế đã ban hành Tuyên ngôn ngành Thuế. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

Trước hết, phải khẳng định sự kiện Tổng cục Thuế ban hành Tuyên ngôn ngành Thuế trong năm 2012 với 4 giá trị được toàn ngành Thuế coi trọng và gìn giữ: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới” là cơ sở để ngành Thuế phục vụ tốt hơn các đối tượng nộp thuế, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp (DN) và người dân.

Ngành Thuế: Vững vàng vượt khó - Ảnh 1
ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế xác định việc triển khai thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế tốt cũng chính là mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người nộp thuế. Từ đó, người nộp thuế sẽ thấy hình ảnh công chức, cán bộ thuế đáng tin cậy, thân thiện hơn, luôn tận tâm trong công việc, thể hiện mức độ chuyên nghiệp cao trong việc thực thi công vụ.

Nhờ đó, chính sách thuế và công tác quản lý thuế cũng rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, công khai tất cả các thủ tục hành chính thuế từ trung ương đến địa phương, đảm bảo quyền và lợi ích của người nộp thuế nói riêng và mọi tổ chức, cá nhân nói chung. Trong quá trình thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế, cộng đồng xã hội, đặc biệt là người nộp thuế có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, thực thi cam kết trong Tuyên ngôn.

Xin ông cho biết sơ bộ về những kết quả ấn tượng mà ngành Thuế đã đạt được trong năm 2012?

Với việc triển khai các biện pháp quyết liệt, đến hết ngày 31/12/2012, tổng thu NSNN ước đạt 742.950 tỷ đồng, bằng 100,3% so với dự toán, bằng 100,2% so với số báo cáo Quốc hội, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2011. Riêng số thu do ngành Thuế quản lý ước đạt 607.844 tỷ đồng, bằng 104,5% so với dự toán (tương ứng vượt 26.244 tỷ đồng), bằng 103,2% so với số báo cáo Quốc hội, tăng 12,4% so với thực hiện năm 2011. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt trên 140.000 tỷ đồng, bằng 161% so với dự toán và tăng 27,1% so với năm 2011; thu nội địa ước đạt 467.737 tỷ đồng, đạt 94,6% so với dự toán và tăng 8,6% so với thực hiện năm 2011; thu nội điạ không kể tiền sử dụng đất ước đạt gần 423.000 tỷ đồng, bằng 92,3% so với dự toán. Đến ngày 31/12/2012, cả nước có 48/63 địa phương hoàn thành dự toán số thu do ngành quản lý, 44/63 địa phương hoàn thành dự toán thu nội địa.

Bên cạnh đó, năm 2012 đã thanh tra, kiểm tra 55.850 DN, tăng 11,2% so với năm 2011. Tổng số truy thu, truy hoàn và phạt đạt trên 9.000 tỷ đồng tăng trên 20% so với năm 2011. Đối với các DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá đã thanh tra, kiểm tra tại 2.027 DN, đã kiến nghị truy thu xử phạt khoảng 683,5 tỷ đồng, giảm lỗ trên 3.700 tỷ đồng, giảm khấu trừ 202 tỷ đồng và nộp vào NSNN trên 200 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả trên là do ngành thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hoá các quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuế trong đó đã triển khai dự án kê khai thuế qua mạng tại 50 Cục Thuế các địa phương, với trên 200.000 DN đăng ký và kê khai nộp thuế qua mạng.

Cùng với đó, trong năm 2012, các biện pháp miễn giảm, gia hạn nộp thuế tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu nộp NSNN từ trung ương đến địa phương, đồng thời thành lập các Tổ công tác chỉ đạo việc kiểm tra đôn đốc thu nợ thuế tại các ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty để khai thác, chống thất thu ngân sách. Cụ thể, năm 2012, ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho hàng trăm nghìn DN, hộ kinh doanh với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ đồng gia hạn sang năm 2013, qua đó góp phần hỗ trợ về vốn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và cải thiện đời sống.

Cũng trong năm 2012, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua (tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác thuế, đảm bảo theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và hiện đại hoá công tác quản lý, ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cơ quan thuế cũng tăng cường giám sát hoạt động của DN để kịp thời phát hiện các trường hợp có kinh doanh nhưng không kê khai hoặc chưa đưa vào quản lý; tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra đối với các DN có các hoạt động giao dịch liên kết, DN có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra theo chuyên đề đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, vừa đáp ứng yêu cầu

hiện đại hóa công tác quản lý, vừa giảm bớt chi phí cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Cơ quan thuế các cấp tăng cường phối hợp kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan để phát triển và mở rộng thêm nhiều hình thức nộp thuế, đảm bảo việc chấp hành pháp luật thuế ngày càng đơn giản, thuận tiện.

Từ những biện pháp thực hiện đồng bộ và có hiệu quả nói trên, ngành Thuế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2012 mà Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần tạo tiền đề để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2013.

Bốn giá trị trong Tuyên ngôn ngành Thuế được toàn ngành Thuế coi trọng và gìn giữ “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”, là cơ sở để toàn Ngành hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Với thứ hạng số 9 tại khu vực Đông Nam Á như hiện tại, ngành Thuế sẽ làm gì để đạt được mục tiêu 1 trong 5 nước đứng đầu khu vực về cải cách hệ thống thuế vào năm 2015, thưa ông?

Thời gian qua, ngành Thuế đã tích cực đổi mới phương thức quản lý, chính sách thuế tiếp cận dần với những thông lệ quốc tế tốt nhất, thực hiện đơn giản hóa, công khai minh bạch hơn 350 thủ tục hành chính thuế ở tất cả các cấp. Kết quả đã tăng được 15 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ tại báo cáo Môi trường kinh doanh 2012 do Ngân hàng thế giới và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đánh giá.

Trong thời gian tới, với việc Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế, Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung trong đó có một số nội dung quan trọng như việc giảm tần suất kê khai thuế GTGT đối với các DN nhỏ và vừa hàng tháng sang hàng quý, đẩy mạnh việc kê khai thuế qua mạng internet, xây dựng ngưỡng tính thuế GTGT, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc… với 4 giá trị được toàn ngành Thuế coi trọng và gìn giữ: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới” bằng Tuyên ngôn ngành Thuế là cơ sở để Ngành hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn tiếp tục khó khăn và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân  sách. Trước tình hình đó, những giải pháp trọng tâm nào sẽ được ngành Thuế triển khai trong năm 2013 để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Trên cơ sở diễn biến thu NSNN năm 2012, nhận định về tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước thời gian tiếp theo, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cũng như đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế theo lộ trình đã được phê duyệt, năm 2013, ngành Thuế sẽ tập trung thực hiện các giải pháp mang tính trọng tâm, xuyên suốt:

Năm 2012, ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ đồng gia hạn sang năm 2013. Các chính sách thuế đã góp phần hỗ trợ về vốn cho doanh
nghiệp, giúp sản xuất kinh doanh từng bước phát triển, phục hồi.
Một là, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, thường xuyên theo dõi, tham mưu trình cấp có thẩm quyền cụ thể hoá thành các chương trình hành động để triển khai kịp thời, minh bạch các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi tối đa cho NNT, tạo ra niềm tin, sự phấn khởi và sức lan toả sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, đảm bảo phương châm hành động theo Tuyên ngôn ngành thuế “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới” đi vào thực chất.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách, thường xuyên kiểm tra, rà soát để nắm bắt kịp thời số lượng, tình trạng hoạt động của DN, hộ kinh doanh trên địa bàn để đưa vào diện quản lý.

Bốn là, tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chú trọng việc thanh tra đối với các chuyên đề như: chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, hoàn thuế, hộ kinh doanh cá thể; thanh tra đối với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm là, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh, động viên kịp thời nguồn lực cho NSNN, phấn đấu tỷ lệ tổng nợ đến 31/12/2013 so với số thực hiện thu không quá 5%.

Sáu là, tổ chức thực hiện tốt 2 Luật Thuế mới sửa đổi, bổ sung có hiệu lực trong năm 2013; tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện tuyền truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội; đồng thời nâng cấp đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung, sửa đổi quy trình quản lý để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai thực hiện các Đề án thuộc Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo lộ trình và yêu cầu đã đề ra.

Tám là, chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý cho cán bộ, công chức thuế; công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo gắn kết với việc xem xét động viên, khích lệ và bổ nhiệm nhằm khuyến khích cán bộ tăng cường học tập và tự học tập.

Chín là, thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của ngành, tăng cường quán triệt chủ trương, nhắc nhở công chức chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Theo đó, thủ trưởng cơ quan thuế các cấp cần thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho công chức, viên chức, đẩy mạnh học tập các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thưa ông, bên cạnh 9 giải pháp trọng tâm mà ngành Thuế triển khai nói trên, thì trong năm 2013 ngành Thuế sẽ làm gì để vượt qua những thử thách, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao?

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành công vụ của công chức, viên chức thuế; tiếp tục hoàn thiện Quy chế phòng, chống tham nhũng trong ngành Thuế. Đặc biệt, với việc triển khai Tuyên ngôn ngành Thuế, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, biện pháp thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam để tăng cường sự đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ, giám sát của người dân và DN với cán bộ thuế, cơ quan thuế trong khi thực thi công vụ theo các giá trị của Tuyên ngôn đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Ngành Thuế: Vững vàng vượt khó

PV.

(Tài chính) Năm 2012, toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế đã nỗ lực vượt bậc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đây là động lực tiếp sức cho ngành Thuế bước vào năm 2013 với khí thế mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Nhân dịp đầu Xuân mới, Tạp chí Tài chính đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xung quanh vấn đề trên.

Xem thêm

Video nổi bật