Nhiều chiêu gian lận thuế Giá trị gia tăng

Theo baohaiquan.vn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán hàng không hóa đơn, trong đó nguyên nhân chính là pháp luật còn lỏng lẻo, tạo nhiều kẽ hở cho các tổ chức kinh doanh trục lợi.

Kiểm tra hóa đơn trong hồ sơ quyết toán thuế của DN tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.
Kiểm tra hóa đơn trong hồ sơ quyết toán thuế của DN tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các điểm kinh doanh ăn uống, hầu hết nguyên liệu đầu vào được mua tại các chợ đầu mối và không có hóa đơn đầu vào, do vậy dù không cần xuất hóa đơn đầu ra vẫn có thể cân đối được chi phí.

Cũng vì thế nên mặc dù vẫn bị cơ quan Thuế quản lí bằng cách yêu cầu kê khai định mức trên một món ăn nhưng các điểm kinh doanh này có thể linh hoạt trong việc kê khai chi phí theo hướng có lợi cho mình bằng cách giảm chi phí vốn.

Cụ thể, dù trên thực tế giá vốn chỉ chiếm từ 30% đến 40% tổng trị giá của một món ăn nhưng các nhà hàng vẫn có thể kê lên đến mức tối đa mà cơ quan Thuế cho phép để “né” bớt thuế.

Theo chia sẻ của anh N.T.N, người có thâm niên phụ trách kế toán cho một số nhà hàng, quán bar ở khu vực quận 1, TP.HCM thì phần lớn các nhà hàng dùng “kĩ xảo” trong thanh toán để gian lận thuế, trong đó số nhà hàng “tảng lờ” xuất hóa đơn cho khách hàng chiếm tới 30 đến 40%.

Theo chia sẻ của anh N., khi thanh toán cho khách, các điểm kinh doanh ăn uống đều phải có phiếu tính tiền, mặc dù vẫn thực hiện theo quy định phải xuất hóa đơn ngay khi khách hàng không có yêu cầu nhưng phần lớn các điểm kinh doanh ăn uống đều xuất ít hơn giá trị giao dịch thực tế. Bên cạnh đó, dù đã có quy định đối với các loại hàng hóa dịch vụ có giá dưới  200.000 đồng thì vẫn phải xuất một hóa đơn chung, song quy định này cũng rất ít khi được thực hiện.

Còn đối với lĩnh vực thi công xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng, không xuất hóa đơn để trục lợi và xuất khống hóa đơn để đối phó với cơ quan Thuế là tình hình chung của phần lớn các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong lĩnh vực này.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một DN xây dựng tại quận 4, nguyên nhân khiến các đơn vị xây dựng né tránh việc xuất hóa đơn vì khi phải xuất hóa đơn sẽ liên quan đến các thủ tục chính sách cho người lao động và người quản lí lao động dẫn đến phát sinh chi phí, đội giá thành không cạnh tranh được với các đơn vị khác không xuất hóa đơn.

Cũng theo đại diện DN này, phần lớn các DN vừa và nhỏ đều giao việc cân đối hóa đơn cho đơn vị báo cáo thuế tự cân đối thu chi đầu vào, đầu ra của hóa đơn với điều kiện sau khi cân đối thu chi thì doanh thu của đơn vị trong năm đó luôn phải hòa hoặc lỗ. Lâu lâu để tránh sự nghi ngờ của cơ quan Thuế, DN mới kê khai có lợi nhuận nhưng rất ít trong khi trên thực tế để DN tồn tại thì nhất thiết doanh thu phải có lời. Nếu khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn thì đơn vị thi công sẽ liên hệ với đại lí hoặc cửa hàng cung cấp vật tư để lấy hóa đơn sau đó bộ phận kế toán sẽ cân đối giữa đầu vào và đầu ra hóa đơn của đơn vị mình theo từng tháng, từng quý...

Đối với ngành kinh doanh hàng điện tử, điện máy, theo thông tin từ chị P.T.S đã từng làm kế toán trưởng cho siêu thị P.K trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, việc xuất hóa đơn tại các siêu thị điện máy nếu nhiều nhất cũng chỉ khoảng 60-70% lượng hàng hoá bán ra. Nguyên nhân là do phần lớn hàng hoá tại các siêu thị này được lấy từ nhiều nguồn và không phải là hàng chính hãng nên không có hoá đơn mua vào, vì vậy cũng không có hoá đơn bán ra.

Khi khách hàng yêu cầu xuất hoá đơn đối với các mặt hàng không có hoá đơn đầu vào thì nhân viên kế toán của siêu thị sẽ đảo mã hàng để lấy hoá đơn đầu vào của mặt hàng này để xuất hoá đơn đầu ra cho mặt khác. Khi phát sinh chênh lệch giữa đầu vào đầu ra để đối phó với cơ quan Thuế, các siêu thị sẽ sử dụng chiêu xuất khống hoá đơn cho một cá nhân và một địa chỉ X, Y nào đó và trị giá của hoá đơn chỉ ngang bằng hoặc dưới giá vốn để bớt phải đóng thuế.

Ngoài ra, một chiêu trò khác cũng được các siêu thị này áp dụng là liên kết với nhau để xuất qua, xuất lại hoá đơn giữa các đơn vị nhằm cân đối đầu ra, đầu vào giữa các bên.

Bên cạnh tập quán kinh doanh không lành mạnh của phần lớn các điểm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, còn có thói quen không lấy hóa đơn khi mua hàng của người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng cá nhân không quan tâm và không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Thêm vào đó, thủ tục lấy hóa đơn còn rườm rà và mất thời gian (theo quy định, đối với các khoản thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, khách hàng buộc phải thanh toán qua ngân hàng và để lấy hoá đơn thì khách hàng là DN buộc phải mang theo con dấu) cũng khiến cho khách hàng e ngại, ít quay lại lấy hóa đơn ngay cả khi có nhu cầu.