Phấn đấu tăng thu qua thanh, kiểm tra thuế 13 nghìn tỷ đồng

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra những tháng cuối năm 2016 rất nặng nề.

Cục Thuế Hà Nam thực hiện tốt việc đôn đốc thu hồi nợ thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Cục Thuế Hà Nam thực hiện tốt việc đôn đốc thu hồi nợ thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế phải quyết liệt triển khai, đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo mục tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra đạt 18% số doanh nghiệp đang hoạt động, phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 13.000 tỷ đồng và số nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ đạt chưa cao

Trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, bên cạnh nhiều địa phương đạt chỉ tiêu thanh, kiểm tra 18% số doanh nghiệp đang hoạt động, thu về cho ngân sách hàng chục tỷ đồng, thì vẫn còn một số cục thuế đạt tỷ lệ thanh tra, kiểm tra thấp, như: Bình Định, Tiền Giang, Hưng Yên, Cần Thơ, Cao Bằng, Long An…

Việc đôn đốc thu nợ các khoản truy thu qua thanh tra, kiểm tra ở một số cục thuế còn chưa được quan tâm sát sao, dẫn đến tỷ lệ số nộp ngân sách nhà nước sau thanh tra, kiểm tra thấp hoặc chưa nhập số nộp qua thanh tra, kiểm tra vào ứng dụng hỗ trợ thanh tra, kiểm tra dẫn đến báo cáo số nộp qua thanh tra, kiểm tra đạt thấp.

Tăng cường giải pháp thực hiện

Năm 2016 chỉ còn lại gần 3 tháng, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế đã đề ra thêm một số giải pháp, đồng thời yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện.

Các cục thuế tiến hành rà soát lại kế hoạch thanh tra, nhiệm vụ kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị rủi ro về thuế theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 đã được phê duyệt, tập trung phân tích chuyên sâu để lựa chọn nội dung trọng tâm cần thanh tra, lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế, các doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, (từ 3-5 năm), về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, về ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án… để thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay.

Không chỉ có vậy, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế đảm bảo nguyên tắc kiểm tra theo rủi ro quy định tại điểm 4, điều 58, Thông tư 156/2013/TT-BTC, cũng như đảm bảo kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế trước với các trường hợp lũy kế sau ít nhất 12 tháng hoặc sau ít nhất 4 quý phát sinh số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết đã được hoàn.

Bên cạnh đó, các cục thuế lựa chọn các doanh nghiệp có số hoàn thuế lớn hoặc có dấu hiệu rủi ro đã được kiểm tra trước khi hoàn thuế để thực hiện thanh tra toàn diện trong năm 2016.

Đặc biệt, đối với 13 cục thuế có điều tiết ngân sách trung ương được giao nhiệm vụ phấn đấu tăng thu ngân sách trung ương năm 2016 qua thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế yêu cầu báo cáo kết quả phương án triển khai một cách cụ thể trong thời gian tới để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Các cục thuế khi tiến hành thanh tra, kiểm tra cần vận dụng linh hoạt các hình thức đã quy định tại Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao năng suất và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nhằm khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành địa phương để triển khai thực hiện có hiệu qủa công tác khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách trên địa bàn trong các lĩnh vực: Chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án, khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên, kinh doanh viễn thông, điện, điện tử, ô tô, sữa, dược phẩm, kinh doanh của các tập đoàn bán buôn, bán lẻ…

Tăng cường chỉ đạo đôn đốc số thu nộp vào NSNN các khoản tiền thuế phải nộp sau thanh tra, kiểm tra. Theo đó mỗi đoàn thanh tra, kiểm tra phải phối hợp với bộ phận quản lý nợ thuế theo dõi, đôn đốc người nộp thuế nộp vào NSNN.

Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế rà soát lại công tác báo cáo tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại đơn vị mình để khắc phục những tồn tại theo đúng nội dung của Văn phòng thường trực – Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải xác định, đối chiếu và ghi nhận đầy đủ, chính sách biểu quan hệ ngân sách trong biên bản đến hết thời kỳ thanh tra, kiểm tra để có cơ sở theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ NSNN.