Quan điểm quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác thuế

Theo Tạp chí Thuế

(Tài chính) Thuở sinh thời, Hồ Chủ Tịch thường đánh giá cao vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân. Người luôn coi “Quan điểm quần chúng” (QCND) là phương thức hoạt động có hiệu quả của một nhà nước pháp quyền, dân chủ và là nguồn gốc vững chắc bảo đảm thắng lợi của cách mạng.

 Quan điểm quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác thuế
Cục Thuế Hà Nội gặp mặt các cán bộ Thuế tiếp quản thủ đô. Nguồn: Tapchithue.com.vn
Thuế là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và có mối quan hệ mật thiết về nghĩa vụ và quyền lợi với mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, thuế không thể và không phải là công tác đơn phương của ngành Thuế, mà đòi hỏi phải có sự tham gia rộng rãi của QCND. Quan điểm quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một yếu tố quan trọng, góp phần phát huy tác dụng của chính sách thuế với nội dung phong phú, đa dạng. 
 
Trước hết, công tác thuế động chạm đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân và có nhiều mặt phức tạp, khó khăn. Vì thế, nếu chính sách, chế độ thuế không được nhân dân am hiểu, đồng tình, ủng hộ thì có thể phát sinh nhiều thắc mắc, phản ứng không đáng có, gây thêm khó khăn cho công tác động viên nguồn lực. Nhưng nếu cán bộ Thuế xác định được đúng đắn vai trò quan trọng và tin tưởng vào khả năng vô tận của QCND, biết đi đúng đường lối quần chúng thì chắc chắn nhiệm vụ sẽ được hoàn thành thuận lợi, xuất sắc.
 
Ngay trong các cơ sở kinh doanh, dù chạy theo lợi nhuận, tư lợi, nhưng họ cũng là người dân yêu nước, biết phục thiện, biết giữ gìn danh tiếng tốt đẹp của gia đình, làng xóm, đất nước. Đồng nghĩa, nếu biết khai thác mặt tích cực, khắc phục mặt nhược điểm thì họ cũng sẽ tự nguyện, tự giác chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ khai báo, nộp thuế hoặc cung cấp nhiều tài liệu có giá trị, bổ ích, phục vụ công tác quản lý, chống thất thu thuế có hiệu quả. Điều quan trọng là, cán bộ Thuế phải thường xuyên gương mẫu, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng của dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu dân.
 
Thuế dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không đơn thuần vì mục đích tăng thu cho ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của đất nước, mà quan trọng hơn là công cụ góp phần giải phóng mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng cao, đem lại lợi ích cho quốc tế dân sinh, bảo đảm bình đẳng, công bằng, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập và đời sống xã hội, phù hợp với khả năng đóng góp khác nhau của các tầng lớp dân cư.
 
Do đó, bằng việc phát huy tối ưu  vai trò của các công cụ tuyên truyền, giáo dục, cần làm cho QCND thấu hiểu thuế mang tính tất yếu khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Thuế là một nghĩa vụ bắt buộc được ghi rõ trong Hiến pháp mà mọi công dân, mọi tổ chức kinh tế phải thực hiện và đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ cơ quan thuế chống thất thu có hiệu quả. Từ đó chính sách thuế có thể phát huy tác dụng, mang lại lợi ích chung cho toàn dân, trong đó có người nộp thuế. 
 
Mục tiêu của thuế là vì lợi ích của toàn dân, do đó, chính sách thuế phải được thông báo công khai và được bàn bạc, trao đổi trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt với các đối tượng liên quan đến từng sắc thuế. Việc phổ biến rộng rãi cho QCND không thể là tổ chức theo hình thức, lấy lệ, mà cán bộ có trách nhiệm phải chân thành, khiêm tốn, lắng nghe và phản ánh đầy đủ đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của QCND.

Theo đó, mỗi khi xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật thuế mới, các cơ quan thông tin đại chúng cần đăng tải đầy đủ các nội dung lấy ý kiến nhân dân, theo đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phấn khởi trước quyền làm chủ được bảo đảm, có dịp trực tiếp tham gia vào công việc lao động của đất nước, chắc chắn QCND sẽ nhiệt tình đóng góp ý kiến xác đáng vào việc xây dựng và hoàn thiện các luật thuế, đảm bảo hệ thống chính sách thuế ngày càng phù hợp, mang tính khả thi.
 
Trên thực tế, không phải ai cũng có điều kiện nghe đài, đọc báo hoặc được cung cấp các văn bản chính thống về thuế. Do đó, cơ quan thuế cần xây dựng quy chế thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với QCND theo hình thức phù hợp. Trong dịp này, cán bộ Thuế không thể chỉ làm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách  theo phương thức “độc thoại”, mà cần lắng nghe các ý kiến phản ứng cả thuận và nghịch, giải đáp những vướng mắc cụ thể trong tổ chức thực hiện, từ đó kịp thời khắc phục những hiểu lầm không đáng có, ngăn chặn những phản ứng có thể xảy ra. 
 
Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã viết: “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng và Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách được đúng”. Các cuộc trao đổi, đối thoại dân chủ giữa cơ quan thuế, cán bộ Thuế với QCND là cầu nối hai phía: vừa truyền đạt được chính sách, chế độ thuế cho QCND bàn bạc thi hành, vừa tập hợp được ý kiến, nguyện vọng chính đáng của QCND lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Đây chính là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước và QCND cùng nhau tìm tiếng nói chung, xây dựng được mối quan hệ tốt, thấy rõ và thông cảm hết khó khăn của nhau để trao đổi cách khắc phục tốt nhất.
 
Trong bài viết “Phải quét sạch bệnh quan liêu”, Bác Hồ đã nêu: “không gần gũi dân thì không hiểu biết dân, không hiểu biết dân thì không học hỏi được kinh nghiệm và sáng kiến của dân”. Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi với QCND, cán bộ Thuế sẽ có dịp thấy rõ “lỗ hổng” về kiến thức của mình để tìm cách bổ khuyết thích hợp, đồng thời học tập được suy nghĩ, phân tích, kinh nghiệm thực tế của QCND qua biện pháp giải quyết những khó khăn phát sinh hàng ngày. Đây cũng là trường học thực tế để bồi dưỡng, nâng dần kiến thức về lý luận và thực tiễn cho cán bộ Thuế, đảm bảo có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
QCND cũng có thể phản ánh, góp ý kiến xây dựng về đạo đức, tác phong của cán bộ Thuế. Qua đó, cơ quan thuế có thêm tài liệu, tình hình thực tế để đánh giá chất lượng công tác cán bộ, tạo điều kiện cho việc phân loại, sử dụng cán bộ sát đúng với thực chất năng lực của từng người. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế - xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, qua ý kiến của QCND, ngành Thuế có thêm căn cứ để xem xét, kiện toàn bộ máy, củng cố đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao cái “tâm” trong sáng, đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ được giao ngày càng nặng nề, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và QCND.
 
Quan điểm quần chúng của Hồ Chủ Tịch vô cùng phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Nhân tháng có ngày kỷ niệm lần thứ 123 ngày sinh của Người, chúng ta nguyện ra sức học tập, quán triệt thêm quan điểm của Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc để vận dụng tốt hơn vào các mặt hoạt động của công tác thuế, vốn đang được xem là một mặt trận nóng bỏng trong tình hình hiện nay, đúng theo lời dạy của Bác: “Thu được thuế phải thu được lòng dân”