Quản lý Thuế Tài nguyên: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Mặc dù chính sách thuế về tài nguyên ngày càng hoàn thiện, cơ quan thuế cũng đã làm hết trách nhiệm trong việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp khai thác tài nguyên.

Dây chuyền tuyển quặng của Công ty Apatit Lào Cai. Ảnh: NM
Dây chuyền tuyển quặng của Công ty Apatit Lào Cai. Ảnh: NM

Tuy nhiên, để thu đúng, thu đủ từ hoạt động này thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong việc xử lý trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ.

Số thu thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng ngày càng tang

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, số thu thuế từ tài nguyên liên tục tăng trong các năm gần đây. Nếu như năm 2012, số thu thuế tài nguyên trừ dầu thô chỉ chiếm 1,6% tổng thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện, thì 10 tháng năm 2017 là 1,9%; nếu so với tổng thu trừ dầu, trừ đất là 2,2%. Như vậy, số thu từ tài nguyên đã tăng cả về tỷ trọng và số tuyệt đối. Điều này cho thấy công tác quản lý thuế tài nguyên ngày càng chặt chẽ, đúng với phương châm của ngành Thuế là thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Có được kết quả trên là do chính sách Thuế Tài nguyên ngày càng hoàn thiện. Mức thu thuế tài nguyên đảm bảo sự đồng bộ với các sắc thuế khác như: Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế xuất khẩu và các khoản thu trực tiếp khác từ hoạt động khai thác tài nguyên như thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản; phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản theo Luật Phí, lệ phí; tiền dịch vụ môi trường rừng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…

Điều đáng chú ý đó là để tháo gỡ những vướng mắc trong việc xác định giá tính thuế tài nguyên, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 44/2017/TT-BTC về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Theo đó, trên cơ sở khung giá tính thuế tài nguyên được Bộ Tài chính đưa ra, UBND các tỉnh căn cứ vào khung giá này để áp dụng giá tính thuế tài nguyên tại địa phương mình. Nhờ có thông tư này  việc quản lý, khai thác tài nguyên, cũng như công tác quản lý thuế tài nguyên của các địa phương ngày càng chặt chẽ.

Ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, trên cơ sở khung giá tính thuế tài nguyên đã được Bộ Tài chính ban hành, Tổng cục Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tính thuế tài nguyên của các địa phương để xác định nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp khai thác. Cơ sở dữ liệu này cũng được cập nhật thường xuyên, liên tục nếu giá biến động, do đó đảm bảo công bằng, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cũng nhờ có khung giá tính thuế tài nguyên này, cơ quan thuế các cấp dễ thực hiện việc quản lý thuế tài nguyên mà không cần phải xin ý kiến cấp trên.

Cần sự vào cuộc của các sở, ngành

Mặc dù cơ quan Thuế đã thực hiện quản lý thuế khá chặt chẽ, trên cơ sở pháp luật về thuế, tuy nhiên, việc quản lý khai thác tài nguyên, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra. 

Một cán bộ của Tổng cục Thuế cho biết, theo Luật Quản lý thuế hiện nay, cơ quan thuế thực hiện thu thuế trên cơ sở người nộp thuế tự khai, tự nộp. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra xem người nộp thuế đã thực hiện khai đúng, khai đủ chưa. Nếu việc khai thuế chưa đúng với quy định của pháp luật, cơ quan thuế sẽ yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung và thực hiện nộp thuế vào NSNN.

Tuy nhiên, cũng theo vị cán bộ này, vấn đề hiện nay không  nằm ở việc quản lý thuế, mà   là quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên như thế nào. Cụ thể hơn, để xác định khối lượng, cũng như doanh thu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, rất cần sự vào cuộc của cơ quan tài nguyên - môi trường các cấp, của chính quyền địa phương, chứ mỗi ngành Thuế không thể làm được.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho rằng, không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành ở địa phương trong việc quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản, mà cần xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng khai thác trái phép. “Để công tác quản lý tài nguyên thực sự chuyển biến, hạn chế tối đa tình trạng khai thác trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi ở một số địa phương như báo chí phản ánh gần đây, tôi cho rằng, việc giám sát, xử lý trách nhiệm của cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trong việc giám sát, phát hiện và tố cáo những sai phạm trong công tác quản lý tài nguyên”, Luật sư Vi Văn Diện nói.