Tạo sân chơi bình đẳng về thuế cho các doanh nghiệp

Mai Ka (Báo Hải quan)

Phó trưởng Ban cải cách Tổng cục Thuế TS. Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán, tiến tới ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm tạo sân chơi công bằng về thuế để các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoạt động bình đẳng tại Việt Nam; cũng như để các nhà đầu tư trong nước có cơ hội mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

 Tạo sân chơi bình đẳng về thuế cho các doanh nghiệp

Nộp thuế trùng

Hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập với 61 nước trên thế giới như: Nga, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hungari, Ai Len... Loại thuế được áp dụng trong Hiệp định là thuế trực thu như: thuế Thu nhập Doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân; thuế Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; thuế Công ty; thuế Thu nhập đối với các đối tượng không cư trú và các loại thuế địa phương thu trên thu nhập...

Theo nhận định của ông Trần Mạnh Hà- Văn phòng Tư vấn thuế Ernst & Young Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay bắt buộc các quốc gia thúc đẩy việc tham gia vào cam kết thuế mang tính quốc tế vì các nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư vào những nơi có khả năng thực hiện chi phí thấp nhất, chiếm lĩnh được thị trường, đạt lợi nhuận cao, trong đó thuế là một nhân tố quan trọng luôn được quan tâm.

Bởi, nghĩa vụ về thuế của nhà đầu tư không chỉ được qui định bởi chính sách, pháp luật thuế tại quốc gia của họ mà còn điều chỉnh bởi chính sách, pháp luật thuế của các quốc gia, vùng lãnh thổ mà họ đến đầu tư. Như vậy, về mặt pháp lý nhà đầu tư vừa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với quốc gia của mình, lại phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với quốc gia nơi thực hiện đầu tư, dẫn đến việc nộp thuế trùng.

Đơn cử như tại Việt Nam, những lợi ích từ việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần sẽ loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng cách miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết Hiệp định, hoặc khấu trừ số thuế mà đối tượng cư trú Việt Nam đã nộp tại nước ký kết Hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định còn tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan Thuế Việt Nam với cơ quan Thuế các nước ký kết trong công tác quản lý thuế quốc tế nhằm ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản.

Khuyến khích sự tham gia của DN

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng các đàm phán hiệp định thương mại quốc tế như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định 06/2012/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2012 về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế đã đưa ra một cơ chế chính thức để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đàm phán các hiệp định thương mại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép doanh nghiệp tham gia vào đàm phán quốc tế được dần hiện thực hóa; doanh nghiệp có quyền tham gia nắm bắt thông tin các nội dung đàm phán hiệp định thương mại tự do và tham vấn những vấn đề liên quan đến lợi ích của mình bao gồm tất cả các nội dung trong đàm phán và ở tất cả các giai đoạn, từ chuẩn bị đến đàm phán.

Bởi theo nhận định của TS. Nguyễn Xuân Sơn, Chính phủ không tự tiến hành các hoạt động thực tiễn để kiểm nghiệm tính hiệu quả của các cam kết và các hiệp định, bởi lẽ Chính phủ chỉ làm chức năng quản lý hành chính nhà nước chứ không trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp trong khi xúc tiến các hoạt động kinh doanh của mình trên khắp thế giới sẽ xác định giá trị thực tế của các hiệp định và các cam kết quốc tế. Họ cần phải am hiểu từng hiệp định và từng cam kết để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để mang lại lợi nhuận. Cũng như việc doanh nghiệp cần phải có tiếng nói với Chính phủ về những cam kết, hiệp định đã thực thi để Chính phủ có thể đàm phán điều chỉnh, nếu việc đó phù hợp và có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích từ Hiệp định thuế này, hiện nay đã xảy ra tình trạng người nước ngoài làm việc và có thu nhập tại Việt Nam tìm cách “tránh” thuế Thu nhập cá nhân theo diện đối tượng được miễn thuế tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; đến việc các doanh nghiệp nước ngoài liên kết chuyển giá gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Đó là lý do, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế mở rộng thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn ở nước ngoài. Cho phép cơ quan quản lý thuế thu thập, xử lý thông tin bao gồm cả việc thu thập và sử dụng các thông tin do cơ quan Thuế của những nước đã ký kết hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập, nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế, trong đó có quản lý đối với chuyển giá.