Thái Nguyên ra quân dán tem đồng hồ bơm xăng

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Sáng ngày 15/12/2016, Cục thuế Thái Nguyên phối hợp với một số cơ quan tổ chức thực hiện việc dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu của 210 cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh. Theo kế hoạch, việc này hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

Dán tem tại cây xăng của cửa hàng xăng dầu số 10, công ty xăng dầu Bắc Thái, đường Phan Đình Phùng - Thành phố Thái Nguyên.
Dán tem tại cây xăng của cửa hàng xăng dầu số 10, công ty xăng dầu Bắc Thái, đường Phan Đình Phùng - Thành phố Thái Nguyên.

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên - ông Phạm Văn Chức cho biết, việc dán tem đồng hồ bơm xăng là do xuất hiện một số gian lận trong kinh doanh xăng, dầu.

Cụ thể, do phần lớn người tiêu dùng cá nhân khi mua đều không lấy hóa đơn nên lượng xăng, dầu này có thể được chuyển hóa thành hóa đơn cung cấp cho các cơ sở kinh doanh khác để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, đồng thời hạch toán chi phí nhằm làm tăng số thuế GTGT được hoàn hoặc giảm số thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp.

 Thái Nguyên ra quân dán tem đồng hồ bơm xăng - Ảnh 1

Đoàn liên ngành chốt số công tơ đo xăng trước khi dán tem.

Bên cạnh đó, một số cơ sở nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai nộp thuế.

Tại thời điểm Nhà nước quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu giao dịch mua bán trên thị trường, cơ quan thuế các cấp chưa phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng để kiểm tra, so sánh giữa lượng hàng tồn kho thực tế với sổ sách kế toán nhằm đề ra biện pháp chống thất thu thuế do thay đổi về giá bán xăng, dầu.

Cùng với đó, mặc dù công tác quản lý thuế đã có nhiều cố gắng nhưng trong thực tế lâu nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu để đưa hoạt động này vào nền nếp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tăng cường quản lý thu thuế, nên vẫn còn tình trạng thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Trên cơ sở đó, ông Phạm Văn Chức khẳng định, việc thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng, dầu (Đề án 3013) được cho là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, việc dán tem này nhằm xác định các chỉ số đầu kỳ, cuối kỳ để tính toán sản lượng xăng, dầu xuất bán. Hàng tháng, quý, cán bộ thuế sẽ đến các cơ sở này ghi chỉ số đang thể hiện trên công tơ tổng, để đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh.

Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu; xử lý đối với các trường hợp có tác động chủ quan làm ảnh hưởng đến các chỉ số công tơ tổng, dẫn đến sai lệch số xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu xét thấy cần phải kiểm tra lượng xăng, dầu tồn kho thực tế để có cơ sở xác định tính trung thực của hồ sơ khai thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm kê xăng, dầu tại cơ sở kinh doanh.  

 Thái Nguyên ra quân dán tem đồng hồ bơm xăng - Ảnh 2

Việc dán tem đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, đảm bảoquyền lợi người tiêu dùng, tăng cường quản lý thuế.

Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm tự ghi chép đầy đủ nội dung sổ nhật ký theo dõi sử dụng phương tiện đo xăng, dầu mỗi khi tự kiểm tra hoặc khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xác nhận tình trạng hoạt động của cột đo xăng, dầu; thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát sinh việc hư hỏng công tơ tổng.

Đối với những cột đo xăng, dầu hoặc các bộ phận máy móc liên quan phải sửa chữa mà cần phải bóc tem niêm phong đều phải thông báo với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cơ quan thuế để được giải quyết. Nếu cơ sở nào tự ý bóc dỡ tem niêm phong hoặc làm rách sẽ bị xử lý theo quy định của ngành chuyên môn và ấn định thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành.

Cũng theo ông Phạm Văn Chức, một trong những yêu cầu bắt buộc khi triển khai đề án là không gây phiền hà hay làm ảnh hưởng đến hoạt động của người nộp thuế; đồng thời đảm bảo được tính khách quan, minh bạch và công bằng.

Trong tổng thu ước thực hiện cả năm  2016 của ngành Thuế Thái Nguyên là 6.600 tỷ đồng có 470 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, mà chủ yếu là từ xăng, dầu. Hiện, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã cơ bản phủ kín các địa bàn, kể cả vùng sâu, vùng xa, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Ông Phạm Hồng Tuân- Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu thuộc Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn (Đồng Hỷ) cho rằng: Việc siết chặt quản lý đối với mặt hàng này là rất cần thiết, bởi việc dán tem này sẽ không chỉ thu được tiền thuế GTGT mà còn thu được cả nhiều loại thuế khác trước đó như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…

“Vì thế, sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời giúp hạn chế được tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” ở nhiều cửa hàng nhằm hưởng mức hoa hồng cao hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng…”- ông Tuân khẳng định.

Tuy nhiên, ông Tuân cũng đặt ra một số băn khoăn về việc làm thế nào để không xảy ra tiêu cực giữa cán bộ thực hiện nhiệm vụ dán tem với cơ sở kinh doanh xăng, dầu.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tâm, ở tổ 16, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) thì đây là việc mà lẽ ra tỉnh cần phải làm từ lâu để người dân không bị mua phải những loại xăng dầu không rõ nguồn gốc, hoặc mua phải loại xăng có chất lượng không đúng với giá trị thực. Lâu nay, bà thường chỉ dám đổ xăng ở những chỗ quen biết hoặc của các cửa hàng có uy tín, nay có thể yên tâm khi mua xăng, dầu ở bất cứ cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào có cột bơm xăng…

Trước đó, ngày 14/12, tại hội nghị triển khai Đề án 3013 của UBND tỉnh Thái Nguyên mà Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đề án tổ chức, hơn 101 doanh nghiệp hiện kinh doanh xăng, dầu đều đồng tình với việc thực hiện đề án, đại diện hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cam kết sẽ phối hợp nghiêm túc với cơ quan chức năng để việc dán tem được tiến hành đúng quy định.