Thất thu thuế vì nạn bán hàng không xuất hóa đơn

Theo baohaiquan.vn

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thuế thông qua sử dụng hóa đơn, nhưng theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh công tác này còn gặp phải không ít khó khăn.

Bán hàng không xuất hóa đơn vẫn là vấn đề "đau đầu" của cơ quan Thuế. Ảnh: Nguyễn Huế
Bán hàng không xuất hóa đơn vẫn là vấn đề "đau đầu" của cơ quan Thuế. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM), thời gian qua, hành vi gian lận thuế thông qua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, gây thất thu ngân sách nhà nước và bất bình trong xã hội. Trong đó, việc bán hàng không xuất hóa đơn là một hành vi gian lận thuế khá phổ biến. Điển hình là các điểm kinh doanh bán hàng xuất hóa đơn trong liên lưu (liên 1, liên 3) nhỏ hơn liên giao cho khách hàng (liên 2), mục đích là giảm số thuế phải nộp của mình và tăng số thuế được khấu trừ cho người mua, xuất hóa đơn khống  (hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo) nhằm hợp thức hóa đầu vào để bên mua khai khấu trừ và hoàn thuế...

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, do thói quen thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên việc tổ chức quản lí thuế vẫn còn nhiều kẽ hở. Trong đó, vấn đề bán hàng không xuất hóa đơn là một vấn đề đau đầu của cơ quan Thuế vì không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh ăn uống, khách sạn mà hầu hết các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng đều tồn tại tình trạng này.

Do cơ quan Thuế chỉ quản lí qua sổ sách, kế toán nên nếu người kinh doanh không xuất hóa đơn thì cơ quan Thuế khó có thể quản lí để ấn định thuế. Trong khi đó, đối với hàng hóa, dịch vụ bán ra chỉ cần nghe nói lấy hóa đơn sẽ phải trả thêm 10% đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng.

Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng này là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ vì phần thuế giá trị gia tăng (GTGT) là phần thuế người tiêu dùng phải trả, nếu người tiêu dùng không trả phần thuế GTGT  hoặc không lấy hóa đơn thì sẽ tiếp tay cho doanh nghiệp (DN) trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn cần có sự tham gia tích cực của các ngành khác trong việc quản lí đường mòn lối mở để ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu sang Việt Nam vì nếu người kinh doanh có được các nguồn hàng thẩm lậu này thì có thể làm lại sổ sách kế toán để thực hiện việc bán hàng không xuất hóa đơn.

Trong thời gian qua, Cục Thuế TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Cụ thể, Cục Thuế đã giao việc quản lí các đơn vị bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cho các Chi cục trực tiếp quản lí để cơ quan Thuế có điều kiện quản lý chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tăng cường phổ biến, hỗ trợ, vận động DN sử dụng hóa đơn điện tử, ngăn chặn kịp thời gian lận trong việc sử dụng hóa đơn;  triển khai thực hiện đề án hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.  Đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM cũng đã trình Tổng cục Thuế phương án gắn máy tính tiền kết nối với cơ quan Thuế tại các đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống để quản lý việc xuất hóa đơn...

 Đồng thời, trong thời gian qua, Cục Thuế TP.HCM đã triển khai thanh tra chuyên đề đối với các điểm kinh doanh nhà hàng, quán ăn; Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện đề án kẹp chì và dán tem niêm phong đồng hồ trên các cây xăng và chốt hóa đơn tại thời điểm niêm phong ngăn chặn gian lận hóa đơn trong lĩnh vực xăng dầu.

Trong năm 2016, thực hiện việc triển khai thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thương mại, dịch vụ, ăn uống mà đợt cao điểm là thực hiện Quyết định 1353/QĐ-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM đã thu và phạt được 1.570 tỷ đồng của khối DN và điều chỉnh tăng doanh thu đối với 2.144 hộ khoán, doanh thu khoán điều chỉnh tăng 12.326 tỷ đồng.

Ngoài ra, để ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng gian lận thuế qua hóa đơn, theo kiến nghị của Cục Thuế TP.HCM, đối với các DN ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh ngành ăn uống, dịch vụ cao cấp phải sử dụng máy tính tiền kết nối với cơ quan Thuế và sử dụng hóa đơn điện tử để xác định chính xác doanh thu thực tế phát sinh. Cùng với đó, để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi sử dụng dịch vụ, ăn uống, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu chính sách đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng như chấp nhận một số chi phí được trừ có hóa đơn khi tính thuế TNCN hoặc hoàn một phần thuế GTGT cho người tiêu dùng khi có hóa đơn.