Thí điểm thanh tra thuế bằng phương pháp điện tử

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Cùng với việc thí điểm hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực, khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà…, ngành Thuế cũng đang tiến hành thí điểm thanh tra, kiểm tra thuế bằng phương thức điện tử.

Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa (Hà Nội) báo cáo với Đoàn giám sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì về việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Ảnh: NM.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa (Hà Nội) báo cáo với Đoàn giám sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì về việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Ảnh: NM.

Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế không chỉ góp phần chống thất thu hiệu quả, mà còn từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Tăng thu hơn 5,1 nghìn tỷ đồng sau thanh, kiểm tra

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những nội dung được ngành Thuế đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Cùng với các giải pháp thu hồi nợ thuế, công tác thanh, kiểm tra thuế góp phần chống thất thu NSNN, đảm bảo sự công bằng đối với người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến 28/4, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 13.890 doanh nghiệp, đạt 13,66% kế hoạch (kế hoạch năm 2017 là 101.706 doanh nghiệp), bằng 113,97% so với cùng kỳ năm 2016. Số thu tăng qua thanh, kiểm tra hơn 5.166 tỷ đồng, bằng 175,92% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: truy thu 4.248 tỷ đồng; truy hoàn 31,1 tỷ đồng; phạt 817 tỷ đồng; tăng thu qua kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 69,22 tỷ đồng.

Trong quý I/2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 25 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó các đơn vị đã truy thu, truy hoàn và phạt 150,5 tỷ đồng, giảm lỗ 180 tỷ đồng, giảm khấu trừ 0,02 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 139 tỷ đồng. Riêng thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 67,6 tỷ đồng, giảm lỗ 65 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 464,62 tỷ đồng.

Ông Đặng Duy Khanh - Phó vụ trưởng Vụ thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết thêm, trong quý I/2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tổng số là 1.064 quyết định hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Trong đó, quyết định hoàn phát sinh năm 2017 đã thanh tra, kiểm tra là 92 quyết định, quyết định hoàn phát sinh trước năm 2017 là 972 quyết định. Tổng số tiền phải thu hồi hoàn, truy hoàn và xử lý vi phạm hành chính số tiền 42,4 tỷ đồng. Tổng số tiền đã nộp NSNN hơn 11,6 tỷ đồng.

Thanh tra bằng phương pháp điện tử

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế phải tiến hành thanh tra ít nhất 18% số doanh nghiệp đang hoạt động, 100% hồ sơ hoàn thuế được thanh, kiểm tra. Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện theo phương pháp rủi r, tập trung vào những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế. 

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó tổng cục trưởng, kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện thí điểm việc thanh tra, kiểm tra bằng phương thức điện tử.

“Bằng việc kiểm tra các thông tin về doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu, cơ quan thuế có thể biết được tình hình “sức khỏe của doanh nghiệp”. Tình hình sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế như thế nào… Với việc phân tích các dữ liệu này, nếu có dấu hiệu rủi ro về thuế, việc đầu tiên là cơ quan thuế sẽ gửi thư ngỏ, đề nghị doanh nghiệp rà soát, khai thuế lại theo đúng tình hình thực tế. Nếu doanh nghiệp không khai báo lại, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra theo quy định”- ông Mạnh cho biết.

Ông Mạnh cũng cho biết thêm, để tránh những sai sót và tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế, Cục Thuế Hà Nội cũng thực hiện tốt quy chế kiểm tra, giám sát đối với công tác thanh, kiểm tra bằng “Quy chế giám sát đoàn thanh tra, kiểm tra”, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra để giám sát theo từng khâu của công tác thanh tra, kiểm tra. Đơn vị công khai số điện thoại đường dây tiếp nhận thông tin phản ánh về các hành vi tiêu cực của cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế.

Việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một bước tiếp theo trong việc điện tử hóa các quy trình thủ tục thuế, hiện đại hóa ngành Thuế giai đoạn tới, cũng như đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục giảm giờ nộp thuế xuống còn 110 giờ/năm vào năm 2020.