Thu ngân sách vào chặng nước rút

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong tháng 9/2016, số thu do cơ quan thuế quản lý đạt 53.500 tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán pháp lệnh. Tính đến hết quý III/2016, tổng thu ngân sách được 597.962 tỷ đồng.

Ra soát chặt chẽ việc kê khai, tìm nguồn thu phát sinh.
Ra soát chặt chẽ việc kê khai, tìm nguồn thu phát sinh.

Trong đó số thu nội địa đạt 568.130 tỷ đồng, bằng 75,2% so với dự toán. Như vậy, bước sang chặng nước rút, 3 tháng cuối năm 2016, ngành Thuế còn phải nỗ lực hơn nữa.

Tiến độ đạt thấp so với cùng kỳ 2 năm gần đây

9 tháng, số thu từ dầu thô chỉ đạt 29.831 tỷ đồng, bằng 54,7% dự toán, chủ yếu do sản lượng giảm, ước đạt 11.583 nghìn tấn; giá dầu bình quân ước đạt 41,4 USD/thùng, giảm 18,6 USD/thùng so với giá dự toán. (Ngoài ra, cùng kỳ năm 2015 phát sinh khoảng 3.970 tỷ đồng, số thu phát sinh năm trước chuyển sang do chứng từ thiếu thông tin).

Đánh giá chung, tiến độ thực hiện dự toán thu nội địa 9 tháng đầu năm 2016 thấp so với kết quả thực hiện của các năm gần đây (năm 2015 đạt 76,2% dự toán pháp lệnh; năm 2014 đạt 76,6%).

Về mặt khách quan, tình hình kinh tế vẫn có nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chững lại. Hiệu quả đầu tư chưa cao. Năng suất lao động tăng chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm tăng 6,9% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 8 tháng tăng trưởng thấp hơn so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, tạm ngừng nghỉ kinh doanh còn lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng qua là 45.097 DN. Thiên tai như rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long; bão lũ các tỉnh ven biển và miền núi phía Bắc, ô nhiễm môi trường tại các tỉnh Bắc Trung bộ,… đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn thu ở một số địa phương.

Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, một số chính sách thuế được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người nộp thuế,… nhưng cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đơn cử: Tiếp tục thực hiện Luật số 32/2013/QH13, Luật số  71/2014/QH13 đã làm giảm thuế thu nhập DN khoảng 7.500 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, từ ngày 1/7/2016 thực hiện Luật số 106/2016/QH13 cũng tác động một phần đến số thu NSNN những tháng cuối năm, như: Thay đổi chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ hoàn âm 12 tháng liên tục sang cho tiếp tục khấu trừ vào kỳ sau làm giảm thuế GTGT phải nộp ở khâu nội địa; giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp do miễn đối với hộ gia đình có mức thuế phải nộp hàng năm dưới 50.000 đồng khoảng 180 tỷ đồng, thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô cũng làm giảm thu trên  220 tỷ đồng.

Nỗ lực cao

Những tháng cuối năm, nhiệm vụ đặt ra với những người làm công tác thuế không hề đơn giản. Để tạo sự bứt phá, bên cạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia 2016 - 2017, các giải pháp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, Tổng cục Thuế giao các địa phương tiếp tục duy trì Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc nộp vào ngân sách.

Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; đánh giá đúng nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, xác định rõ các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Đặc biệt, các cục thuế địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thô, chủ động đánh giá tác động theo các kịch bản giá dầu, tham mưu kịp thời với Bộ Tài chính trong công tác điều hành thu NSNN. 

Các cục thuế chú trọng kiểm tra, giám sát kê khai thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu kê khai không đủ thuế; rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại hàng quý để đôn đốc thu nộp thuế sát số phát sinh; thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Các đơn vị thuế triển khai quyết liệt việc quản lý nợ thuế và cưỡng chế thuế; tăng cường rà soát, phân loại nợ, giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp quản lý, thu nợ hiệu quả; đồng thời, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế đối với các đơn vị, cá nhân cố tình dây dưa, chây ỳ nợ thuế, góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, người nộp thuế.