Thu nợ: Thách thức đối với ngành Thuế

Theo baohaiquan.vn

Nợ thuế là một thực trạng phổ biến hiện nay với nhiều nguyên nhân, mức độ và tính chất khác nhau. Nếu chỉ có sự vào cuộc của riêng ngành Thuế mà không có sự hỗ trợ của các ban, ngành khác như Kho bạc, Ngân hàng, Công an, Tòa án… thì nợ thuế sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa những người nộp thuế, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Số lượng cán bộ quản lý có hạn, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nợ của ngành Thuế. Ảnh: Thu Hằng.
Số lượng cán bộ quản lý có hạn, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nợ của ngành Thuế. Ảnh: Thu Hằng.

Thu hồi được 60% chỉ tiêu nợ năm 2016

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến ngày 30/9/2016, tổng số tiền thuế nợ của cả nước ước là 74.140 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 32.239 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,5% tổng số tiền thuế nợ. Trong đó bao gồm: Nợ thuế, phí là 21.382 tỷ đồng; Nợ liên quan về đất là 10.856 tỷ đồng. Các khoản phạt và tiền chậm nộp là 26.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,3% tổng số tiền thuế nợ. Đáng chú ý, tiền thuế nợ không có khả năng thu là 14.970 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 20,2% tổng số tiền thuế nợ.

Đến ngày 30/9 các Cục Thuế đã đôn đốc thu hồi nợ được 31.785 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang. Con số này đã đạt 60% chỉ tiêu thu nợ năm 2016 (nếu loại trừ tiền chậm nộp thì thu đạt 87%). Trong đó, bằng biện pháp quản lý nợ thu được 25.542 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thu được 6.243 tỷ đồng.

Riêng đối với 13 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách Trung ương, tổng số tiền thuế nợ đến thời điểm ngày 30/9 là 54.142 tỷ đồng. Cùng với đó, 13 cục Thuế này đã đôn đốc thu hồi được 23.187 tỷ đồng, đạt 55,5% chỉ tiêu thu nợ năm 2016 (nếu loại trừ tiền chậm nộp thì thu đạt 80%).

Theo Tổng cục Thuế, để có những kết quả trên, Tổng cục Thuế đã rà soát thông báo danh sách doanh nghiệp (DN) nợ thuế trên 50 triệu đồng của 13 cục Thuế có số thu điều tiết Trung ương và danh sách DN nợ thuế từ 3 tỷ đồng trở lên đối với 50 cục Thuế còn lại để các đơn vị thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ và công khai thông tin. Kết quả rà soát, có 34.779 DN với tổng số tiền thuế nợ là 39.555 tỷ đồng.

Trong đó, 13 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách Trung ương 34.141 DN với tổng số tiền thuế nợ là 32.248 tỷ đồng. 50 tỉnh còn lại có 638 DN với tổng số tiền thuế nợ là 7.306 tỷ đồng. Tính đến ngày 18-10 các cục Thuế đã đôn đốc cưỡng chế thu được 3.894 tỷ đồng (cưỡng chế thu được 1.642 tỷ đồng, người nộp thuế tự nộp là 2.252 tỷ đồng). Có 36 DN đã nộp hết tiền thuế nợ 403 tỷ đồng.

Nhân lực thiếu, cơ chế yếu

Thời gian qua, không thể phủ nhận ngành Thuế đã nỗ lực trong việc thu hồi nợ thuế, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại Cục Thuế Hà Nội, đây là 1 trong 2 địa phương đem lại số thu ngân sách Nhà nước lớn nhất cả nước và cũng là 1 trong những đơn vị đứng đầu về số nợ thuế.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phòng Kê khai và Kế toán thuế, Cục Thuế Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến tình hình thu nợ thuế khó khăn do số lượng người nợ thuế nhiều và có xu hướng ngày càng tăng trong khi số lượng cán bộ quản lý có hạn, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nợ. “Chỉ tính đến ngày 30/8, số lượng người nợ thuế tại Cục Thuế Hà Nội là 107.270 trường hợp.

Như vậy bình quân một cán bộ Thuế tại đây phải quản lý 550 người nợ thuế. Ngoài ra, nợ sai sót thường xuyên xảy ra với số lượng lớn, do các nguyên nhân từ chuyển đổi số dư từ phần mềm cũ (QTN) sang phần mềm mới (TMS) từ cơ quan Thuế, Kho bạc, Ngân hàng làm mất nhiều thời gian của cán bộ quản lý cho công tác đối chiếu điều chỉnh nợ sai”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Mặt khác, theo ThS. Lê Thị Minh Phương, Khoa Quản lý Tài chính công, Học viện Tài chính, quản lý nợ thuế là khâu bắt buộc trong quy trình đôn đốc thu và xử lý tiền thuế nợ. Tuy nhiên, hiện nay đây cũng là thách thức lớn cho ngành Thuế bởi quy định vẫn còn một số bất cập. “Theo quy định hiện nay, DN được phép nộp dồn số tiền nợ thuế trong 12 tháng nhưng phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần. Điều này sẽ gây khó cho DN khi thực sự khó khăn. Cùng với đó, biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng của các DN chưa phù hợp và hiệu quả”.

Bà Lê Thị Minh Phương cũng chỉ ra rằng, đối với thời điểm hiệu lực thi hành của quyết định cưỡng chế tài khoản, hiện đang có sự không thống nhất, chưa rõ ràng giữa nội dung hướng dẫn tại Quy trình cưỡng chế nợ thuế với quy định tại Điều 24 Mục 1 Chương II Nghị định 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Nếu theo hướng dẫn tại quy trình sẽ dẫn đến việc khi dòng tiền xuất hiện nhưng quyết định lại chưa có hiệu lực và việc người nộp thuế có thể lợi dụng thời gian quyết định chưa có hiệu lực để thực hiện việc rút tiền khỏi tài khoản nhằm tránh bị cưỡng chế.

Có một thực tế nữa, số DN nợ thuế ngày một nhiều với số tiền ngày một lớn, tuy nhiên, hiện nay quy định chế tài xử phạt với đơn vị cố tình vi phạm còn chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe, Luật Quản lý thuế không quy định chế tài xử lý hình sự đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp. Quy định về chế tài cưỡng chế cũng có nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, sau khi cưỡng chế tài khoản 30 ngày nếu người nợ thuế không nộp nợ thuế thì tiếp tục biện pháp cưỡng chế bằng hợp đồng với thời hiệu 12 tháng.

Sau đó mới đến các bước tiếp theo là cưỡng chế bằng biện pháp kê khai tài khoản, bán đấu giá tài khoản kê biên; thu tiền tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ... Các bước cưỡng chế tiếp theo khá khó khăn và phức tạp, do sự phối hợp các ban ngành khác như Kho bạc, Ngân hàng, Công an, Tòa án… vẫn còn nhiều bất cập.