Thực trạng nợ đọng thuế và một số giải pháp cần thiết cho những tháng cuối năm 2012

Theo Cục thuế Cần Thơ

Công tác quản lý thuế hiện nay, việc quản lý đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế là nhiệm vụ hết sức quan trọng và là vấn đề nan giải, sẽ góp phần tích cực trong kết quả thu ngân sách hàng năm. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thuế Cần Thơ từ nay đến cuối năm 2012 là không những chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế của mình, mà hơn nữa phải áp dụng cương quyết các biện pháp chế tài đủ mạnh để đảm bảo thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và hạn chế nợ phát sinh.

Thực trạng nợ đọng thuế và một số giải pháp cần thiết cho những tháng cuối năm 2012

Tính đến cuối tháng 7/2012, trên sổ theo dõi nợ thuế của Cục Thuế TP Cần Thơ thì tổng số nợ thuế là 570 tỷ đồng, tăng 25% so với thời điểm cuối năm 2011, điều đó cho thấy số nợ thuế  không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng lên, báo động cấp bách về tình trạng  nợ đọng thuế cho toàn ngành. Trong đó, nhóm nợ khó thu là 67 tỷ đồng, chờ xử lý là 22 tỷ đồng, chờ điều chỉnh 06 tỷ đồng và nợ có khả năng thu là 475 tỷ đồng, chiếm 83 % trong tổng số nợ thuế. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là đối với một số khoản thuế nợ đọng lớn như: thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước mà doanh nghiệp đã để nợ thuế kéo dài trong suốt nhiều năm, có những doanh nghiệp có số nợ thuế rất lớn, mặc dù ngành thuế đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở song các doanh nghiệp này vẫn cố tình chây ỳ, chưa chấp hành trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Trong đó, chiếm tỷ trọng số nợ thuế lớn là khối Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Doanh nghiệp Nhà nước địa phương.

Trong thời gian qua, ngành Thuế Cần Thơ luôn xem công tác tuyên truyền, hỗ trợ về chính sách thuế cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và luôn chia sẻ, cảm thông với những khó khăn chung mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời kỳ nền kinh tế đất nước đang thực hiện kiềm chế lạm phát, giá cả hàng hoá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào liên tục gia tăng làm cho sản xuất chậm phát triển. Quốc hội, Chính Phủ và Bộ Tài chính thời gian qua liên tục đưa ra các chính sách giảm, giãn đối với các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...và gần nhất là Nghị quyết 13 của Chính Phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường nhằm kích cầu nền kinh tế, động viên, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp bình ổn để phát triển sản xuất kinh doanh, đây cũng chính là hình thức tốt nhất để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngành thuế Cần Thơ đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị này cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và ngành thuế cũng rất hoan nghênh sự đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên toàn thành phố trong thời gian qua; tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước,  để nợ thuế dây dưa kéo dài trong suốt nhiều năm liền.

Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012, ngành Thuế Cần Thơ xác định công tác thu nợ thuế là một trong những công tác trọng tâm hàng đầu góp phần tích cực cho hoàn thành dự toán thu. Nên ngay từ đầu năm đã  tổ chức quán triệt Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 27/12/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tăng cường công tác thu thuế năm 2012; Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính về việc chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế nhất là phải đảm bảo thực hiện tốt theo Quyết định số 1395/QĐ-TCT ngày 14/10/2011 của Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và đặc biệt là thực hiện nghiêm công văn số 1563/UBND-KT ngày 20/4/2012 về việc thành lập Đoàn công tác liên ngành chống thất thu và thu hồi nợ thuế trên địa bàn thành phố. Tuy vậy tình hình thu nợ thuế vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra, qua theo dõi việc kê khai và tình hình nộp thuế của các doanh nghiệp, nổi bật có một số nguyên chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài nhiều năm như sau:

* Từ phía doanh nghiệp:

Một là, do chưa nắm rõ Luật Quản lý thuế và nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa tự giác, cá biệt có DN cố tình dây dưa chiếm dụng tiền thuế, nhiều trường hợp đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình nợ thuế.

Hai là, Tình hình kinh tế khó khăn chung làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp nên  khả năng nộp thuế gặp khó khăn

Ba  là, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, việc gia hạn nộp thuế, kể cả các khoản thuế truy thu cho DN chỉ được áp dụng trong một số trường hợp gặp khó khăn (thiên tai, dịch họa, dịch chuyển nơi sản xuất hay do Nhà nước thay đổi chính sách) mà không áp dụng đối với những DN gặp khó khăn khách quan, song lại diễn ra phổ biến  dẫn đến nợ thuế sẽ làm nợ thuế gia tăng.

* Từ phía cơ quan thuế:

- Do cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên khi thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế đạt kết quả chưa cao.

- Xử lý chưa kiên quyết trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế.

- Công tác phối hợp chưa đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ phận trong  và ngoài ngành thuế trong quản lý thu.

  Giải pháp cần thiết thu nợ trong những tháng cuối năm 2012:

  Để hạn chế tình trạng nợ đọng thuế, thu hồi nợ đọng  trong những tháng còn lại của năm 2012, ngành Thuế Cần Thơ cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

-Đối với Đoàn công tác chông thất thu liên ngành: tiếp tục thực hiện theo kế hoạch công tác của Đoàn, tiến hành rà soát các doanh nghiệp chưa nộp theo cam kết thì Đoàn công tác tham mưu UBND các cấp áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp: tạm thời rút Giấy phép đăng ký kinh doanh và thu hồi mã số thuế cho đến khi đơn vị thực hiện xong nghĩa vụ thuế đối với NSNN; đồng thời công bố công khai các hình thức xử lý trên báo, đài theo đúng quy định hiện hành (theo Điểm 2 của công văn 1563/UBND-KT) nhằm thu hồi các khoản nợ thuế; cương quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế một số doanh nghiệp điển hình và làm việc lần 2 đối với các đơn vị không chấp hành nộp theo cam kết tại cuộc làm việc lần thứ nhất. Đồng thời lập kế hoạch mời làm việc các doanh nghiệp khác có số nợ thuế lớn, kéo dài nhiều năm buộc cam kết nộp thuế theo đúng quy định. 

- Đối với bộ phận Phòng QLN và các Chi cục Thuế quận, huyện: thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quy định, làm đúng theo quy trình quản lý nợ (quy trình 1395 của Tổng cục Thuế), thường xuyên theo dõi chặt chẻ các khoản nợ mới phát sinh, kết hợp các Phòng chức năng liên quan đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp nộp kịp thời vào KBNN,  đồng thời tiến hành các thủ tục theo quy trình QLN nếu đơn vị không chấp hành để hạn chế các khoản nợ phát sinh tiềm ẩn khó thu.

 Biện pháp cụ thể :

- Phân tích rõ tuổi nợ của các khoản nợ, xem xét, đánh giá về khả năng tài chính của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có số nợ lớn để có những biện pháp chế tài cụ thể.

-  Đối với khoản nợ thuế khó thu hồi của một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể phá sản, doanh nghiệp bỏ trốn mất tích, bị khởi tố...; ngành thuế nên củng cố và hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ tài chính, Tổng cục Thuế xoá nợ theo quy định của pháp luật thuế.

- Đối với khoản nợ thuế chờ xử lý:  gồm số nợ được gia hạn khoanh nợ, giãn nợ, số chờ xoá, miễn giảm, chờ điều chỉnh; nên đi sâu phân tích chuyển sang khoản nợ khó thu hoặc nợ có khả năng thu để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

- Đối với khoản nợ có khả năng thu:  lập danh sách người nộp thuế nợ quá hạn 90 ngày trình Lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế phê duyệt, cương quyết thực hiện các bước biện pháp cưỡng chế nợ thuế (theo Quyết định số 490/QĐ-TCT) như:  cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản; cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập, cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu; cưỡng chế bằng biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn, biện pháp thu hồi mã số thuế, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. 

- Đối với bộ phận liên quan trong ngành thuế như: Thanh tra, Kiểm tra thuế, Kê khai và Kế toán thuế

- Cần xác định chính xác số tiền thuế nợ sau thanh tra, kiểm tra trên ứng dụng quản lý thuế, số đang theo dõi của phòng kiểm tra và đoàn thanh tra  và cũng cần nên phân loại nợ thuế sau thanh tra, qua đó có thể đánh giá được nhóm nợ nào có khả năng thu hồi, nhóm nợ nào không có khả năng thu hồi để có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc đôn đốc thu nợ thuế trên cơ sở triển khai phương pháp đánh giá rủi ro, phân loại người nợ thuế để áp dụng cho các năm tiếp theo, góp phần cho công tác thu nợ thuế

- Có trách nhiệm đôn đốc người nộp thuế trong thời hạn kể từ ngày Quyết định xử lý vi phạm hành chính thuế

- Theo dõi và nhắc nhỡ DN nộp kịp thời số thuế phải nộp theo kê khai hàng tháng, hành quý

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra về chấp hành chính sách thuế các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, kéo dài năm

- Công tác phối hợp : thực hiện tốt quy chế phối hợp với các ngành hữu quan như: hệ thống Kho bạc, Ngân hàng nhất là các Chi nhánh Ngân hàng Công thương để cung cấp trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, phát hiện nhanh các trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, thực hiện giám sát, phong toả tài khoản đối với các doanh nghiệp nợ thuế, góp phần ngăn ngừa các hành vi trốn thuế, chây ỳ thuế.

Thiết nghĩ, nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới khả năng thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế nợ mới phát sinh, góp phần tích cực cho việc hoàn thành dự toán 2012 của ngành Thuế Cần Thơ là rất khả quan.