Thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chiều 11/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đã chủ trì cuộc họp báo quý III của Bộ Tài chính. Tại buổi họp, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, thuế suất thuế giá trị gia tăng của Việt Nam hiện thuộc loại thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Ông Phạm Đình Thi (đứng) trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: NM.
Ông Phạm Đình Thi (đứng) trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: NM.

Tỷ trọng thuế trong giá mỗi lít xăng chỉ chiếm 41,5%

Một số phóng viên đặt vấn đề cho rằng, hiện nay việc thu thuế xăng dầu có tình trạng thuế chồng lên thuế, người dân phải chịu thuế với tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu. Ông Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội về vấn đề này. Theo quan điểm của ông Thi, mỗi sắc thuế có một mục tiêu điều chỉnh khác nhau.

Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đã ban hành những sắc thuế như vậy. Cụ thể, hiện tại đối với mặt hàng xăng: khi nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, sau đó phải nộp thuế TTĐB, tiếp đến là nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại khâu nhập khẩu.

Xăng dầu còn phải chịu thêm thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng/lít), quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng/lít và cuối cùng là thuế GTGT 10% giá bán.

Tuy nhiên theo ông Thi, vừa qua một số thông tin báo chí cho rằng, thuế xăng dầu hiện nay chiếm hơn 50% giá bán xăng dầu là không chính xác. "Hiện nay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng RON92 là 41,5%, dầu diezel là 22,5%, dầu hỏa là 11,4%. Tỷ trọng thuế này là không hề cao so với các nước trên thế giới"- ông Thi nói.

Ông Thi lấy dẫn chứng: "Tại Hàn Quốc các loại thuế chiếm tới 70,3% trong cơ cấu giá, trong đó thuế giao thông là 35,4% đối với xăng và 30% đối với dầu, còn lại là thuế GTGT và các sắc thuế khác".

Riêng thuế GTGT, ông Thi cho biết, hiện nay Việt Nam là một trong số các quốc gia có mức thuế GTGT thấp nhất. Chúng ta có mức thuế xuất khẩu 0%, mức thuế thấp là 5% và mức thuế phổ thông là 10%. Trong khi đó Trung Quốc thuế xuất khẩu 0%, thấp nhất là 13% và mức phổ thông là 17%. Một số quốc gia có thuế GTGT rất cao như: Đan Mạch có một mức thuế là 25%, Ý 19%, Pháp là 19%...

Ngay cạnh nước chúng ta như Lào, nếu cộng tất cả các sắc thuế thì tỷ trọng thuế trong giá chiếm 56%, trong đó: thuế nhập khẩu là 15%, thuế TTĐB là 2%, thuế GTGT 10%, phí cầu đường 6- 8%/lít xăng.

"Theo công bố của một tạp chí uy tín của thế giới, giá bán lẻ mỗi lít xăng của Việt Nam hiện nay là 0,74 USD/lít, Trung Quốc là 0,94 USD/lít, Lào 1,09 USD/lít, Singapoer là 1,34 USD/lít, Thái Lan 0,91 USD/lít, Philipine là 0,89 USD/lít, Hồng Kông 1,86 USD/lít... Điều này cho thấy thuế GTGT của Việt Nam đang áp dụng hiện nay là ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới"- ông Thi cho hay.

Cách tính thuế TTĐB mới đảm bảo sự công bằng

Trước thông tin cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa minh bạch, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ông Thi cho biết, hiện mỗi lít xăng bán ra sẽ được trích 300 đồng đưa vào quỹ bình ổn giá.

Quỹ bình ổn giá này giao cho các DN đầu mối thực hiện (25 DN đầu mối), chứ Bộ Tài chính không giữ và sử dụng quỹ này.

"Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, nên Nhà nước công bố giá cơ sở, DN bán xăng dầu không được bán cao hơn giá cơ sở. Theo Nghị định 83 của Chính phủ, khi giá xăng dầu tăng thì DN được sử dụng quỹ bình ổn để bù lỗ. Như vậy, tiền của dân thì người dân vẫn được hưởng lợi, chứ Nhà nước không sử dụng số tiền đó"- ông Thi nói.

Liên quan đến cách tính thuế mới theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, ông Thi cho biết, theo quy định mới áp dụng từ 1/7, thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng được thực hiện là giá của nhà nhập khẩu bán ra. Mục tiêu chính là nhằm đảm bảo sự công bằng giữa DN trong nước và nhà nhập khẩu.

Cũng liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho biết thêm, thông tin báo chí vừa qua cho rằng Bộ Tài chính tính nhầm thuế là không chính xác.

"Bộ Tài chính đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Vụ Chính sách thuế với vai trò tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng không thể nào tính nhầm được. Nếu tính nhầm thì lãnh đạo Vụ Chính sách thuế sẽ mất chức ngay"- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí nói.

Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đề nghị báo chí phải thông tin lại một cách chính xác, trung thực để quần chúng nhân dân hiểu được cách tính thuế hiện nay và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Cục Quản lý giá, Tổng cục Thuế đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về những vấn đề liên quan như: Tình hình thu hồi nợ thuế; việc thanh tra, kiểm tra các DN xăng dầu; chính sách hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại sau sự kiện Formosa; chính sách thuế hỗ trợ DN khởi nghiệp