Thuế phải bảo vệ tài nguyên và phù hợp thực tế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tài nguyên đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi đã bỏ quy định tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ lẻ, bán cho các đầu mối thu mua phải khai thuế, vì quy định này không thể thực hiện trong thực tế.

Dây chuyền tuyển quặng của Công ty Apatit Lào Cai. Ảnh: NM.
Dây chuyền tuyển quặng của Công ty Apatit Lào Cai. Ảnh: NM.

Sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

Giải thích về việc sửa đổi Luật thuế Tài nguyên lần này, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế Tài nguyên hiện hành có một số bất cập, cụ thể là tại điểm c khoản 2 Điều 3 Luật thuế Tài nguyên quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế tài nguyên cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế”.

Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế việc quản lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ, lẻ là rất khó khăn, nhất là các trường hợp cá nhân khai thác thủ công, khai thác ở vùng sâu, vùng xa... Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua chỉ lập bảng kê thu mua, chứ không cam kết nộp thuế thay, hoặc không có hóa đơn chứng minh tài nguyên thu mua đã được nộp thuế tài nguyên.

Vì không quy định điều kiện ràng buộc nộp thuế, chế tài xử lý nên không có cơ sở để thu thuế tài nguyên đối với các trường hợp này.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, để được phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định (có dự án đầu tư khai thác khoáng sản; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản...).

Theo đó, về cơ bản chỉ có tổ chức mới đủ khả năng để được cấp phép khai thác khoáng sản. Trên thực tế cũng cho thấy các hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ hầu hết là khai thác trái phép, không được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác. Do đó, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Luật thuế Tài nguyên nêu trên sẽ tạo điều kiện hợp thức hóa hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên.

Để phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, phù hợp với thực tế, đề nghị bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Luật thuế Tài nguyên về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ.

Nước thiên nhiên là phải  là tài nguyên

Theo Bộ Tài chính, khoản 5 Điều 5 Luật thuế Tài nguyên hiện hành quy định: “Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối hoặc lít theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam”.

Tại Điều 2 và Điều 8 Luật thuế Tài nguyên về đối tượng chịu thuế và biểu khung thuế suất thuế tài nguyên chỉ quy định nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng sản xuất, kinh doanh; không quy định nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp.

Do đó, để thống nhất tên gọi các loại nước thiên nhiên tại Luật thuế Tài nguyên, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật thuế Tài nguyên về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với các loại nước thiên nhiên, trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện như sau: “Đối với nước thiên nhiên, trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối hoặc lít theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam”.

Về giá tính thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật thuế Tài nguyên hiện hành quy định: “Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân”.

Theo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, thì giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện đang được lấy theo giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương công bố.

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 15 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực thì có nhiều loại giá bán điện khác nhau như: giá bán lẻ điện, giá bán buôn điện, giá phát điện...; khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện,... do Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt.

Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực chưa có quy định về giá bán điện thương phẩm bình quân và cơ quan ban hành, công bố giá bán điện thương phẩm bình quân.

Để nâng cao tính pháp lý, phù hợp với quy định của pháp luật về điện lực, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật thuế Tài nguyên như sau: “Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện là giá bản lẻ điện bình quân do Bộ chuyên ngành quy định”./