Thuế tài sản nâng cao tính tự chủ cho chính quyền địa phương

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thuế tài sản và gợi ý chính sách cho Việt Nam là chủ đề Hội thảo do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với một số cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức, chiều ngày 26/6 tại Hà Nội.

Ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Y
Ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Y

Công cụ điều hành quan trọng của chính quyền địa phương

Giới thiệu về dự án luật, ông Nguyễn Chí Dũng, cố vấn chính sách của RED cho biết, để chuẩn bị xây dựng chính sách về thuế tài sản, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu chính sách, điều tra khảo sát và lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và công chúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến từ sớm trước khi trình Chính phủ một đề cương chi tiết là việc làm đáng hoan nghênh, tạo sự đồng thuận xã hội, minh bạch trong quá trình hình thành chính sách và thu hút sự tham gia của công chúng. Việc công bố các ý tưởng về Luật Thuế tài sản đã thu hút sự quan tâm của công luận, tăng tính dự báo trước của các quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra thông tin về kinh nghiệm của một số nước trong chính sách thuế tài sản. Theo bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thuế tài sản là sắc thuế phổ biến, lâu đời ở nhiều nước, bao gồm cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện trên thế giới có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản hay thuế nhà và đất.  Nguồn thu từ thuế tài sản có xu hướng ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng với ngân sách địa phương, tăng cường tính tự chủ và vai trò điều hành của chính quyền địa phương. Ở hầu hết các nước, thuế tài sản chủ yếu thu từ nhà và đất, gắn kết với lợi ích người dân được hưởng thông qua các dịch vụ công như đường sá, trường học, cây xanh, bệnh viện...

Bên cạnh hiệu quả đảm bảo công bằng trong xã hội, nâng cao tính tự chủ của địa phương, thuế tài sản còn góp phần ổn định thị trường nhà đất, khuyến khích người có tài sản sử dụng tài sản hiệu quả hơn; khuyến khích địa phương cung cấp dịch vụ công chất lượng hơn; tránh tập trung quá nhiều tài sản vào một số người gây méo mó thị trường.

Điều chỉnh thuế tài sản theo lạm phát

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn áp dụng thuế tài sản tại bang Ontario, Canada, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết, thuế tài sản ở đây do chính quyền thành phố/đô thị thu, khác với các sắc thuế khác như thuế doanh thu, thuế thu nhập là do chính quyền bang và liên bang thu. Năm 2017, trung bình các hộ gia đình ở Canada chi trả 42,5% thu nhập cho các khoản thuế.

Thuế tài sản là một nguồn thu nhập chính do chính quyền đô thị kiểm soát. Thu nhập từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp. Hàng năm, chính quyền đô thị sẽ xem xét lại nhu cầu ngân sách và bỏ phiếu xác định mức tăng thuế tài sản dựa vào tỷ lệ lạm phát và các nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới, nếu cần thiết. Chính quyền đô thị phải tổ chức tham vấn công chúng về nhu cầu ngân sách và mức tăng thuế tài sản liên quan. Việc đánh giá lại giá trị hiện tại của tài sản được thực hiện 4 năm 1 lần để đảm bảo giá trị định giá phản ánh sát sao thị trường bất động sản. Trong trường hợp hãn hữu, chính quyền đô thị có thể tịch thu và bán lại tài sản để truy thu thuế.

Đề xuất địa phương tự quy định mức thuế tài sản

Từ kinh nghiệm các nước, các chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam khi xây dựng Luật Thuế tài sản như: kiến nghị chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất…) giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Về thuế suất, thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Các mức thuế suất nên được phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ. Đồng thời, nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc.