Tổng cục Thuế: Đôn đốc thu hồi nợ thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh thu hồi nợ thuế, phấn đấn đến 31/12/2017 số nợ thuế giảm xuống dưới 5% tổng số thu ngân sách, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế, đặc biệt là những cục thuế có số nợ lớn phải tăng cường công tác thu hồi nợ thuế.

Nhiều biện pháp được ngành Thuế áp dụng để kịp thời thu số tiền nợ đọng vào ngân sách nhà nước.
Nhiều biện pháp được ngành Thuế áp dụng để kịp thời thu số tiền nợ đọng vào ngân sách nhà nước.

13 địa phương có số nợ trên 5% 

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện có 13 địa phương có số nợ lớn hơn 5% tổng thu ngân sách do cục thuế quản lý. Cụ thể là: Bình Dương; Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Khánh Hòa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Quảng Ninh.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, một số cục thuế có số nợ thuế lên đến trên 10% so với tổng thu nội địa do cục thuế quản lý, số nợ phát sinh mới (số liệu đến 30/9/2017 so với thời điểm 31/12/2016) có chiều hướng tăng lên. Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, tính đến 30/9/2017, tổng số tiền nợ thuế (không bao gồm các khoản nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh và tiền nợ thuế đang xử lý, đang khiếu nại) là hơn 1.167 tỷ đồng, tăng 10,4% (tương đương 110 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016, trong đó số nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là hơn 810 tỷ đồng, tăng 13,1% so với thời điểm 31/12/2016. Tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu nội địa vẫn ở mức 11,9%, cao hơn 6,9% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 14 về tập trung chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2017.

Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng thuộc nhóm các cục thuế có số nợ tăng cao, chiếm gần 22% tổng thu ngân sách do cục thuế thực hiện. Tỷ lệ nợ này cao hơn 16,9% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, số nợ đến thời điểm 30/9/2017 là 1.374 tỷ đồng, tăng 11,1% so với thời điểm 31/12/2016, trong đó số nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày có khả năng thu tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2016.

Một cục thuế khác cũng có tỷ lệ nợ thuế trên 10% tổng thu nội địa do đơn vị quản lý, đó là Cục Thuế tỉnh Hưng Yên. Theo báo cáo, tính đến 30/9/2017, tổng số tiền nợ (không bao gồm các khoản nợ đã nộp ngân sách, đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ đang xử lý, đang khiếu nại) là 1.192 tỷ đồng, tăng 3,1% so với thời điểm 31/12/2016, trong đó số nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày có khả năng thu là 739,8 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ tổng nợ trên tổng thu nội địa vẫn mở mức 15,3%, cao hơn 10,3% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. 

Kiểm tra chặt chẽ tiến độ thu nợ 

Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trước tình hình nợ thuế có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, nhất là 13 tỉnh có số nợ thuế cao hơn 5% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2017, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị các địa phương phải thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý nợ, tăng cường thu hồi nợ thuế để giảm số nợ không quá 5% tổng thu ngân sách do cục thuế quản lý, đưa tổng số tiền nợ thuế của toàn ngành Thuế không quá 72.000 tỷ đồng.

Theo ông Phi Vân Tuấn, tại văn bản yêu cầu các cục thuế giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc và trực thuộc, đến từng cán bộ lãnh đạo và từng công chức chịu trách nhiệm thực hiện. Đồng thời tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện thu nợ hàng ngày để đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu giảm nợ trong các tháng cuối năm 2017 và số tiền thuế nợ tối thiểu phải đạt được tại thời điểm 31/12/2017.

Cũng theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các cục thuế phải tổ chức theo dõi, đôn đốc thu sát với tình hình kê khai của người nộp thuế. Bên cạnh đó rà soát, cảnh báo người nộp thuế kê khai không đúng, chưa đủ, điều chỉnh kịp thời các trường hợp người nộp thuế kê khai sai, nộp không đúng mục, tiểu mục; thực hiện đôn đốc thu theo sát số phát sinh, không để làm tăng nợ đến 90 ngày trong những tháng cuối năm 2017.

Lãnh đạo các cục thuế phải tập trung chỉ đạo, áp dụng cương quyết, triệt để các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ và công khai thông tin nợ cụ thể đối với từng doanh nghiệp mà Tổng cục Thuế đã giao để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng vào NSNN, không để phát sinh nợ mới.