Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong cải cách thuế và hải quan

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 16/5/2017 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hội thảo trao đổi về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan gần đây.

Hội thảo trao đổi về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan, ngày 16/5/2017.
Hội thảo trao đổi về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan, ngày 16/5/2017.

Tại hội thảo, các chuyên gia và lãnh đạo DN đã trao đổi các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các quy định hải quan và cơ chế thuế quan thuận lợi cho DN.

Phần lớn doanh nghiệp hài lòng với ngành Thuế và Hải quan

Đánh giá về kết quả của hoạt động đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm thời gian nộp thuế của Việt Nam trong thời gian qua, ông Thomas McClelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá Eurocham nhận định: “Rõ ràng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian qua”.

Việt Nam đã lên hạng 167 (từ hạng 178) theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về hoạt động kinh doanh. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP hướng dẫn việc tuân thủ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch với bên liên quan. Những quy định này đang đi theo xu hướng của khu vực và thế giới và hầu hết các thay đổi được thực hiện để phù hợp với các khuyến nghị của OECD và BEPS (Base

Erosion and Profit Shifting – Chống xói mòn cơ sở tính thuế và Chuyển dịch lợi nhuận).  Ông Thomas cũng đánh giá cao những chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên (y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, công nghệ cao…) và vị trí ưu tiên (khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu công nghệ cao…).

Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam - bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, trong 4 năm liền từ 2014 đến 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết cùng lấy chung 1 số - NQ 19/CP để thể hiện thương hiệu của nghị quyết và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Việt Nam đã cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng mức độ dễ dàng khi nộp thuế trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017 (Doing Business 2017), giảm còn 351 giờ so với 497 giờ trước đó. Nghị quyết 19/2017 đề ra mục tiêu cụ thể nhằm giảm thời gian nộp thuế còn ít hơn 119 giờ mỗi năm vào năm 2017.

Điều này đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của DN với ngành Thuế năm 2016 cho thấy, nhiều chỉ tiêu có đánh giá tốt hơn năm 2014: chất lượng, tính dễ tiếp cận của hệ thống chính sách, trình độ nghiệp vụ, văn hóa ứng xử của cán bộ thuế có chuyển biến tốt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai, nộp thuế điện tử đều tạo thuận lợi cho DN…

Còn theo báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của DN với ngành Hải quan năm 2016, có trên 90% DN hoàn toàn hài lòng về việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan qua trang web của ngành Hải quan, cũng như qua các cuộc tập huấn hoặc đối thoại hải quan. Những phương thức tiếp cận thông tin khác như trực tiếp tới gặp, gọi điện, gửi công văn hoặc qua tờ rơi, ấn phẩm cũng có trên 80% DN hài lòng. Đây là cải thiện lớn, với nhiều chuyển biến đáng kể so với năm 2015. Cảm nhận của 86% DN được khảo sát cho biết, cơ quan hải quan (CQHQ) cung cấp thông tin thống nhất, 84% đánh giá thông tin là sẵn có, dễ tìm và  77% DN cho biết CQHQ cung cấp thông tin cho DN nhanh chóng, kịp thời và 74% DN cho biết thông tin đơn giản, dễ hiểu.

Chính sách thuế không có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp

Trước ý kiến về việc có sự không công bằng trong chính sách ưu đãi thuế giữa các DN lớn và các DN nhỏ và vừa, bà Cúc khẳng định chính sách thuế của Việt Nam hiện nay không có việc đối xử không công bằng. Việc tính thuế thu nhập DN hiện nay là bình đẳng, không phân biệt quy mô DN, ưu đãi thuế dựa trên hoạt động thực tế của DN chứ không phải dựa vào số vốn DN bỏ ra. Sắp tới, khi có Luật DN vừa và nhỏ, những DN này sẽ được ưu đãi nhiều hơn về vốn và thuế.

Còn về việc tính tiền thuế chậm nộp của DN, bà Cúc cho biết, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc xác định yếu tố chủ quan, khách quan và quy trách nhiệm cụ thể trong xác định tính chậm nộp thuộc trách nhiệm mỗi bên. Trường hợp có tranh chấp trong định giá hải quan, nếu phần sai phạm thuộc về cơ quan, cán bộ công chức hải quan thì phần tính chậm nộp thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan. Vấn đề xác định trị giá tính thuế nhập khẩu, bà Cúc cho rằng, các phương pháp xác định trị giá tính thuế cũng nên hoàn chỉnh để dễ tính toán, thống nhất quan điểm trong thực hiện, tránh thiệt hại cho DN, lợi cho NSNN… mà phải đảm bảo yếu tố công bằng, bình đẳng.

Về mặt chính sách thuế, theo ông Thomas McClelland, một số lĩnh vực nếu được giải quyết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ví dụ như: Hướng dẫn rõ ràng và toàn diện về việc chuyển vốn chịu thuế và không phải chịu thuế của các DN nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực của người nộp thuế để có hướng dẫn rõ ràng và kịp thời bằng văn bản về những lĩnh vực mà họ có thể không chắc chắn về việc áp dụng các quy định về thuế.