Xóa nợ thuế đúng đối tượng: Minh bạch nguồn thu và cân đối ngân sách nhà nước

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, Luật sư Choi Ji Ung, Giám đốc Công ty Luật ASEAN cho rằng.

Nhiều trường hợp DN không có khả năng nộp các khoản nợ thuế vào NSNN vì những lý do bất khả kháng.
Nhiều trường hợp DN không có khả năng nộp các khoản nợ thuế vào NSNN vì những lý do bất khả kháng.

Quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi nếu được Quốc hội ban hành sẽ là một bước ngoặt lớn, thể hiện sự quyết tâm tạo điều kiện xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, làm minh bạch nguồn thu và cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) của Nhà nước Việt Nam.

PV: Bộ Tài chính vừa có đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Luật sư Choi Ji Ung: Phải khẳng định rằng đây là một động thái rất tích cực đến từ Bộ Tài chính và Chính phủ, giải quyết được những vướng mắc và khó khăn trong thực tế của rất nhiều doanh nghiệp (DN), người nộp thuế.

Trong quá trình thực hiện công việc tư vấn pháp lý, bản thân tôi và cộng sự cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp DN không có khả năng nộp các khoản nợ thuế vào NSNN vì những lý do bất khả kháng, hay những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, mà việc treo nợ này sẽ gây tốn kém và lãng phí cho cơ quan chức năng cũng như làm xấu tình hình tài chính của DN.

Thêm vào đó, việc nghiên cứu và ban hành các quy định về xóa nợ thuế (bao gồm tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt) cũng thể hiện nỗ lực từ Bộ Tài chính trong việc thúc đẩy hiệu quả quản lý, bám sát thực tiễn môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nếu quy định về xóa nợ thuế được Quốc hội ban hành, sẽ là bước ngoặt lớn, thể hiện sự quyết tâm tạo điều kiện xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh NSNN đang khó khăn.

Hơn nữa, tôi đánh giá rất cao quy định về việc khoanh nợ thuế. Việc này sẽ giúp các DN bớt đi gánh nặng tài chính, có điều kiện để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo thêm nguồn thu NSNN và phát triển kinh tế.

 Xóa nợ thuế đúng đối tượng: Minh bạch nguồn thu và cân đối ngân sách nhà nước - Ảnh 1
 Luật sư Choi Ji Ung

PV: Tại một số quốc gia ông đã từng làm việc và nghiên cứu, việc xóa nợ thuế này có phổ biến không và có phức tạp không, thưa ông?

- Luật sư Choi Ji Ung: Chính sách xóa nợ thuế cũng không phải hiếm trên thế giới, đặc biệt sau các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này là không hề đơn giản, ngay cả với các quốc gia có hệ thống kiểm soát tài chính tốt như Hoa Kỳ hay Hàn Quốc. Nhìn nhận một cách chung nhất, tôi cho rằng, dự thảo nghị quyết xóa nợ thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế.

PV: Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính đã đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp cho những người nộp thuế thuộc các trường hợp: Gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, khó khăn bất khả kháng; các trường hợp DN đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ông có cho rằng, việc xóa nợ cho những đối tượng này là cần thiết?

- Luật sư Choi Ji Ung: Sau khi xem xét dự thảo của nghị quyết xóa nợ thuế sắp được trình lên Quốc hội Việt Nam, tôi nhận định rằng, với tư cách là bộ chuyên ngành quản lý, Bộ Tài chính đã tập hợp khá đầy đủ các trường hợp nên được xóa nợ thuế.

Những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi nêu tại dự thảo nghị quyết, về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật quản lý thuế hiện hành, vẫn là các khoản thu của NSNN. Tuy nhiên, những khoản này trên thực tế đã không còn đối tượng và nguồn để thu hoặc phát sinh ngoài tầm kiểm soát của DN. Vì vậy, việc để các khoản nợ thuế này vào thống kê NSNN sẽ tạo ra những con số không xác thực, làm cho NSNN thiếu sự minh bạch rõ ràng. 

Do đó, việc ban hành nghị quyết xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế 26.500 tỷ đồng là một chủ trương đúng đắn và cực kỳ cần thiết.

PV: Có một số ý kiến lo ngại việc xóa nợ thuế này sẽ tạo tiền lệ xấu “khuyến khích” DN trốn nợ hoặc trục lợi. Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn việc này?

- Luật sư Choi Ji Ung: Với những chính sách xóa nợ và khoanh nợ thuế như thế này, không chỉ ở Việt Nam mà tại bất kỳ nước nào trên thế giới, mối lo ngại về việc trục lợi, lạm dụng chính sách là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu. Tôi cho rằng, để hạn chế những hành vi trục lợi, lạm dụng chính sách gây thất thoát của Nhà nước cần tiến hành những công việc như: Xây dựng các văn bản hướng dẫn nghị quyết chi tiết, cụ thể đối với từng trường hợp được xóa nợ thuế. Đặc biệt là cần phải hướng dẫn về trường hợp “nợ tiền chậm nộp thuế đối với DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được thanh toán”. Bởi hoạt động kinh doanh của DN là cực kì phức tạp. Có những trường hợp bị chậm thanh toán từ NSNN nhưng không hề ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế của DN. Thêm vào đó cũng cần làm rõ khái niệm “nguồn chi từ NSNN” là như thế nào? Chẳng hạn như DN là thầu phụ cho nhà thầu chính thực hiện các hợp đồng từ NSNN bị chậm thanh toán thì có được coi là nguồn chi từ NSNN hay không?...

Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc thực hiện chính sách xóa nợ thuế nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng.

Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ Tài chính và Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành những hướng dẫn để nâng cao độ minh bạch của hệ thống tài chính. Từ đó kiểm soát và không chỉ dễ dàng xác định các trường hợp đủ điều kiện xóa nợ thuế theo quy định mà còn dễ dàng thực hiện các chính sách, quy định khác.

PV: Xin cảm ơn ông!