Chứng khoán thế giới: Năm của những kỷ lục

Hải An

(Tài chính) Các bảng điện tử chứng khoán trên khắp thế giới tràn ngập sắc xanh trong năm 2013. Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới chứng kiến cảnh tượng cạnh tranh của các kỷ lục và dường như đang ở thời điểm giá lên chưa thấy điểm dừng.

TTCK thế giới đã chứng kiến nhiều kỷ lục trong năm 2013 Nguồn: internet
TTCK thế giới đã chứng kiến nhiều kỷ lục trong năm 2013 Nguồn: internet

“Hàn thử biểu" của kinh tế thế giới

Với đà tăng điểm đều đặn trong năm, các chỉ số chứng khoán trên TTCK Mỹ đã lên các ngưỡng cao nhất trong lịch sử. Kết thúc phiên giao dịch 31/12/2013, chỉ số Dow Jones đã ở ngưỡng 16.576,66 điểm, nhảy vọt hơn 26,5% trong năm 2013, xác lập năm giao dịch tốt nhất từ 1995. Chỉ số S&P 500 đã tăng tổng cộng 29,6%% trong năm và dừng lại ở ngưỡng 1.848,36 điểm; Chỉ số Nasdaq tăng 38,3%, ở ngưỡng 4.176,59 điểm.

Nguyên nhân chính đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ lên những ngưỡng cao kỷ lục trong năm qua là các số liệu kinh tế vĩ mô khả quan của đầu tàu kinh tế thế giới. Các rào cản đà tăng của TTCK Mỹ trong năm 2013 là lo ngại Mỹ tấn công Syria (tháng 8/2013) và cuộc chiến ngân sách tại nước này khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tới 16 ngày (tháng 10/2013). Tuy nhiên, ngay khi vấn đề Syria tạm lắng và khi Thượng, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ công, cho phép mở cửa Chính phủ, TTCK Mỹ đã tăng tốc trở lại.

Đến cuối năm 2013, người dân Mỹ đã bớt lo lắng với đà phục hồi của nền kinh tế. Báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố giữa tháng 12/2013 cho thấy, GDP quý III/2013 của nước này đã tăng trưởng 4,1%, nhanh nhất trong gần 2 năm qua. Niềm tin của dân Mỹ càng được củng cố hơn khi ngày 23/12, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2014. Kinh tế tăng trưởng mạnh hơn đã góp phần hạ nhiệt thị trường lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 11/2013 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm xuống còn 7%. Bên cạnh đó, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ cũng tăng mạnh và thị trường nhà đất đang dần ấm lên. Với tốc độ tăng trưởng dự báo 1,7% trong năm 2013, Mỹ được xem là về đích với kết quả ngoài mong đợi.

Đà phục hồi của nền kinh tế đã khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) quyết định bắt đầu cắt giảm gói cứu trợ thứ ba (QE3) từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD, chứng khoán Mỹ cũng luôn lo sợ FED sẽ rút bỏ các biện pháp nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, giới đầu tư lại có phản ứng trái ngược, coi việc cắt giảm gói QE3 như là một biểu hiện tích cực cho thấy nền kinh tế đã hồi phục tốt hơn và TTCK sẽ không bị đẩy lùi.

Đà tăng của TTCK Mỹ đã kéo các TTCK khác trên thế giới lên các ngưỡng cao mới. Khép lại năm 2013, Chỉ số FTSEurofirst 300 của các cổ phiếu hàng đầu châu Âu tăng 16% còn Chỉ số Euro STOXX 50 của các cổ phiếu blue-chip khối Euro tăng 18%, mức tăng nhiều nhất kể từ năm 2009. Chỉ số CAC-40 của Pháp tăng 18% năm 2013, chỉ số IBEX của Tây Ban Nha tăng 21%. Các yếu tố hỗ trợ TTCK châu Âu trong năm 2013 là tình hình nợ công tại khu vực này đã có nhiều chuyển biến tốt; Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế Eurozone vẫn còn rất mong manh: Tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực vẫn cao kỷ lục 12%; GDP quý III/2013 tăng chậm lại với 0,1%... Những thông tin này được xem là đã kìm hãm phần nào đà thăng hoa của TTCK châu Âu.

Tại châu Á, tính chung cả năm 2013, Nikkei 225 của Nhật Bản nhảy vọt 57%, ở ngưỡng 16.291,31 điểm, mức cao nhất trong 6 năm qua nhờ sự yếu đi của đồng Yen và mức cao kỷ lục của chứng khoán Mỹ. Các chính sách kinh tế của ông Abe đã bắt đầu phát huy tác dụng khi đồng Yen đã giảm tới 21% trong năm nay; Tỷ lệ lạm phát dự báo có thể sẽ cao hơn 1% trong nửa đầu năm 2014.

2013 là năm sóng gió với các nhà đầu tư Trung Quốc khi họ lo lắng tăng trưởng giảm sút và chính sách mập mờ của giới chức trong nước. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 6,8% trong năm 2013. TTCK Trung Quốc sụt mạnh sau khi lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng mạnh; Trung Quốc có xu hướng hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để nhằm đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn được bền vững hơn.

Đà tăng quá nóng?

Bất chấp TTCK thế giới đã tăng rất mạnh trong năm 2013, nhiều nhà quản lý quỹ có quy mô lớn trên thế giới cho biết, họ sẽ vẫn lựa chọn chứng khoán làm kênh đầu tư trong năm 2014. Nhiều nghiên cứu ghi nhận đà bứt phá mạnh của chứng khoán Mỹ trong năm qua nhưng lại nhận định TTCK vẫn chưa bị định giá quá cao. Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu FactSet, hiện S&P 500 đang giao dịch với hệ số P/E 15 lần dựa trên lợi nhuận ước tính của năm tới. Như vậy, định giá TTCK chỉ nhỉnh hơn đôi chút so mức bình quân 10 năm là 14 lần.

Trái lại, cũng có một vài nhà phân tích cho rằng, giá cổ phiếu Mỹ hiện nay đang bị “thổi phồng” bởi chính sách kích thích tăng trưởng của FED. Nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn cho biết, chứng khoán Mỹ tăng trong thời gian qua do lợi nhuận của nhiều DN khả quan, tuy nhiên các DN có được kết quả tốt lại được thúc đẩy nhờ chi phí cho vay thấp, hơn là nhờ vào khả năng quản lý hiệu quả.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini đã dự đoán đúng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho rằng, TTCK Mỹ vẫn chưa rơi vào tình trạng “bong bóng” nhưng sẽ tăng mạnh trong hai năm tới và khiến thị trường có nguy cơ đổ vỡ.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013