Agribank chung sức thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam
6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã thu về 17 tỷ USD từ xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đây là tín hiệu vui đối với nền nông nghiệp nước nhà, người nông dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong đó có Agribank, khi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực đầu tư trọng điểm, chiếm trên 73% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Dư nợ cho vay “tam nông” của Agribank chiếm trên 50% thị phần toàn ngành Ngân hàng
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6/2017 ước đạt 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Hầu hết các ngành hàng đều có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị như gạo, thủy sản, hàng rau quả, chè, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ… Gia tăng mạnh nhất là ngành hàng rau quả với mức tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, chiếm tới 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.
Ngành hàng cao su cũng có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm nay ước đạt 462.000 tấn và trị giá 867 triệu USD. Ngành lúa gạo tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trong vài tháng gần đây. Khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu đạt 2,8 triệu tấn và đạt giá trị 1,2 tỷ USD. Lĩnh vực thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã đóng góp khoảng 3,5 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, so với cùng kỳ năm 2016, thì giá trị ngành thủy sản cũng tăng khoảng 14,1%.
Là ngân hàng thương mại (NHTM) giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, đến 30/6/2017, tổng dư nợ của Agribank đạt 788.588 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 578.652 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,4%/tổng dư nợ, chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.
Ý thức vai trò quan trọng của hoạt động xuất khẩu nông sản trong việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, nâng cao giá trị hàng hóa… đặc biệt góp phần đáng kể cho việc tích lũy vốn quá trình công nghiệp hóa đất nước, thời gian qua, Agribank cùng ngành ngân hàng bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với xuất khẩu nông sản.
Đến 30/6/2017, tổng dư nợ đầu tư xuất, nhập khẩu của Agribank đạt 16.965 tỷ đồng, với 1.251 khách hàng. Trong đó, tín dụng đầu tư xuất khẩu nông sản 7.700 tỷ đồng, 484 khách hàng. Đầu tư tín dụng của Agribank dành cho xuất khẩu gạo, đường, thủy sản, cà phê, cao su, chè, hạt điều, hồ tiêu, cá tra, tôm, cây ăn quả, lương thực khác.
Phát huy hơn nữa vai trò của tín dụng ngân hàng đối với xuất khẩu nông sản
Nhận rõ những thách thức mà nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, với mong muốn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường tiêu thụ nông sản toàn cầu, xây dựng và quản lý chuỗi giá trị trong sản xuất, vì nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, Agribank đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ngày 01/11/2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng.
Agribank thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Đến nay, nhiều đối tượng, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vay vốn từ Agribank.
Các mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)… do Agribank đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực.
Sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính, xuất khẩu và tìm được chỗ đứng tại các thị trường khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Mục tiêu năm 2017 được ngành nông nghiệp đề ra đó là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 33 tỷ USD, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Đồng hành, gắn bó cùng nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là thị trường truyền thống.
Agribank tiếp tục ưu tiên tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch, hỗ trợ khởi nghiệp… đồng thời phấn đấu giãm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh. Agribank sẽ tích cực phối hợp cùng các Bộ ban ngành để cùng người dân khắc phục những khó khăn và đẩy mạnh đầu tư tín dụng trong ngành nông nghiệp nông thôn nói chung và hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng. Bên cạnh đầu tư tín dụng, Agribank chú trọng phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phù hợp, cho vay ưu đãi xuất khẩu…
Thời gian tới, phát huy tốt hơn nữa vai trò của tín dụng ngân hàng đối với xuất khẩu nông sản và nông nghiệp, nông thôn nói chung là một trong những nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy nông nghiệp thực hiện thành công tái cơ cấu, phát triển theo hướng bền vững, qua đó thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển “Tam nông” thành công theo định hướng.
Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả hơn nữa trong đầu tư xuất khẩu nông sản, Agribank mong muốn những tồn tại, thách thức của ngành nông nghiệp sớm được giải quyết, tháo gỡ, sớm có quy hoạch vùng nuôi, vùng trồng trọt rõ ràng, có chính sách đồng bộ về xuất khẩu và phát triển thị trường, bảo vệ được quyền lợi của các nhà xuất khẩu, sự hướng dẫn đầu tư đồng bộ để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu, nâng cao uy tín trên thị trường…
Nông nghiệp Việt Nam chịu khá nhiều rủi ro lớn bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh, do đó sự cần thiết triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm và sớm thực hiện.