Agribank - Hội Nông dân Việt Nam: Dư nợ đạt gần 28 nghìn tỷ đồng

PV.

Sau gần 01 năm Nghị định 55/2015/NĐ-CP được ban hành, các chi nhánh Agribank cùng cấp các Hội Nông dân tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình phối hợp thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ở cấp tỉnh, huyện và triển khai đến cán bộ Hội nông dân ở cấp cơ sở. Đến 31/3/2016, tổng dư nợ của Agribank với Hội Nông dân Việt Nam đạt 27.640 tỷ đồng.

Nông dân vay vốn hộ sản xuất vùng khó khăn đầu tư nhà lưới trồng cà chua cho thu nhập cao
Nông dân vay vốn hộ sản xuất vùng khó khăn đầu tư nhà lưới trồng cà chua cho thu nhập cao

Có được những kết quả như trên là nhờ sự phối hợp giữa Agribank với Hội Nông dân ngày càng chặt chẽ, kịp thời phát hiện, sửa chữa những sai sót, tránh tình trạng người vay sử dụng đồng vốn không đúng mục đích, không đạt hiệu quả.

Đến 31/3/2016, Hội Nông dân Việt Nam quản lý 26.003 Tổ vay vốn với 674.297 thành viên tham gia. Sau gần 01 năm Nghị định 55/2015/NĐ-CP được ban hành, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tăng cường sự phối hợp với các tổ chức tín dụng trong việc cho vay để phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với các chi nhánh của Agribank, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cùng cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời tổ chức ký Nghị quyết liên tịch và chương trình phối hợp thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP giữa 2 đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện và triển khai đến cán bộ Hội ở cấp cơ sở.

Hội Nông dân Việt Nam và các chi nhánh Agribank đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng những nội dung chủ yếu của Nghị định 55/2015/NĐ-CP nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn mục đích, điều kiện, nguyên tắc và chế độ cho vay vốn của Ngân hàng, qua đó tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Hội Nông dân cấp cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương và Agribank tại địa phương thành lập các Tổ vay vốn ở địa bàn dân cư theo thôn, bản, làng, xã trên cơ sở tự nguyện gia nhập của các hộ nông dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bên cạnh việc thành lập Tổ vay vốn giúp nông dân vay ở mức không phải thế chấp tài sản, thông qua Hội Nông dân các cấp, Ngân hàng đã được giới thiệu những khách hàng là các hộ SXKD giỏi; hộ SX theo mô hình kinh tế trang trại, SX hàng hóa. Hiện nay đã có hàng trăm lượt doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại được vay vốn ngân hàng để phát triển SXKD, mở rộng ngành nghề, dịch vụ, tiêu dùng, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Để giúp các hộ nông dân sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng mỗi năm tổ chức hàng vạn buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất; tổ chức dạy nghề, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông tin thị trường cho nông dân, phối hợp mở sàn kết nối cung cầu thực phẩm… Nhờ vậy, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân hàng chất lượng tín dụng được đảm bảo.

Thông qua việc phối hợp với Agribank Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống, tham gia tích cực vào tổ chức thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước, vận động hỗ trợ nông dân vay vốn, giúp nông dân được thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Chính phủ, qua đó cũng góp phần làm cho chính sách nhanh đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, những khó khăn, bất cập khi thực hiện chính sách tín dụng cũng đã kịp thời được Hội nắm bắt, từ đó đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan để hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.

Nhờ đồng vốn từ Agribank, hội viên, nông dân, các đối tượng chính sách…đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Với việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng với Hội Nông dân Việt Nam, Agribank đã có những đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.