Agribank Nam Định: Cho vay hộ, đổi thay kinh tế

Theo Thời báo Ngân hàng

Nhìn những mô hình kinh tế đang trên đà “ăn nên làm ra”, có lẽ chẳng mấy người biết rằng kinh tế của huyện Giao Thuỷ mới thực sự phát triển trong khoảng hơn chục năm trở lại đây nhờ có vốn của Agribank.

Nghị định 55 đã tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và ngân hàng.
Nghị định 55 đã tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và ngân hàng.

Trong cái khó ló cái khôn

Trong tổng dư nợ hơn 8.000 tỷ đồng của Agribank Nam Định tính đến cuối năm 2015, có đến hơn một nửa là cho vay qua tổ vay vốn. Có lẽ cũng vì vậy mà Ban Lãnh đạo NH này cứ tự hào giới thiệu với chúng tôi rằng, cho vay thông qua tổ vay vốn là “đặc sản” của Agribank ở đất này. Thậm chí, nhiều tỉnh bạn đã tới học hỏi cách làm để mang các mô hình về triển khai, áp dụng tại địa phương mình.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Agribank Nam Định xởi lởi chia sẻ, đó là “trong cái khó ló cái khôn”. Bởi Nam Định hiện vẫn là địa phương có quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, không có khu kinh tế trọng điểm, không có ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá… Do đó, hoạt động NH chịu sự hạn chế nhất định.

Trong những năm vừa qua, hoạt động nông nghiệp ở Nam Định vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, bà con hầu như không thể dựa vào đâu ngoài đồng vốn NH để tạo sinh kế. “Một xã có 800 - 1.000 hộ, không có tổ vay vốn thì không thể làm xuể. Vì vậy, chúng tôi xác định phải triển khai đủ cách làm sao cho hiệu quả thôi”, ông Tuấn bộc bạch.

Quả là như lời cán bộ Agribank đã nói, đến thăm các hộ vay vốn, chúng tôi được tận mắt thấy bộ mặt kinh tế nông thôn Nam Định đa dạng như thế nào. Từ đó cũng thêm hiểu công việc của người cán bộ NH vất vả ra sao khi hàng ngày phải xoay vần với đủ món vay, thẩm định đủ mô hình của bà con.

Như trang trại cây cảnh của ông Phùng Văn Kiêm ở xóm 5, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy. Những ngày đầu, ông Kiêm cho biết: “Khi tôi có ý định thuê 10 ha đất trồng cây cảnh, phát triển mô hình khép kín, ai cũng nói tôi bị hâm mới đổ tiền của hơn 10 tỷ đồng vào khu đất trũng cấy lúa không được, có cho không cũng chẳng ai thèm ấy”.

Thế nhưng, Agribank lại thấy tiềm năng ở mô hình này. Vì vậy, khi ông Kiêm làm hồ sơ vay vốn từ Agribank để san đất, mua cây giống, nâng vườn chống ngập… cán bộ NH tìm đến tận nơi vừa để thẩm định, vừa để tư vấn cho ông.

Tới nay, khu vườn 10 ha của ông Kiêm đã được phủ kín tới 6,4 ha bởi hàng ngàn cây cảnh các kiểu các loại. Mỗi ngày, trang trại cung cấp cho các công trình lớn nhỏ nhiều loại cây, giá bán dao động từ 200-300 nghìn đồng/cây nhỏ, 5-7 triệu đồng/cây to.

Phần diện tích mặt nước 3,59ha, ông Kiêm thả các loại cá chép, cá trắm, cá vược… mỗi đợt xuất hàng chục tấn cá với giá bán 100-200 nghìn đồng/kg. Hiện nay, trang trại của ông Kiêm đang tạo việc làm cho 5 người. Giá trị sản xuất hàng năm của gia đình ông ước tính gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí ông thu lãi trên 500 triệu đồng/năm.

Hay như, ông Phạm Văn Chiên ở thôn Tân Châu, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, cũng được Agribank cho vay 500 triệu đồng để đầu tư cơ sở chế biến nước mắm. Nhớ lại thuở bần hàn, ông Chiên cho biết ban đầu gia đình làm công việc bỏ mối thu mua nước mắm rồi giao cho các đại lý, thu nhập tạm đủ ăn nhưng rất bấp bênh. Xác định không thể làm công việc này mãi, ông xoay sang tự sản xuất nước mắm và bán trực tiếp…

“Nghề mắm của gia đình tôi được hơn 20 năm thì cũng từng đó năm vay vốn của Agribank”, ông vui vẻ cho biết. Vừa mới đây thôi, nhờ có vốn Agribank giải ngân kịp thời nên gia đình ông Chiên có thêm vốn nhập hơn 80 tấn tôm làm mắm. Nhờ NH tin tưởng cho vay nhanh như vậy nên công việc sản xuất vẫn đúng tiến độ...

Mong được tiếp tục tháo gỡ chính sách

Nhìn những mô hình kinh tế đang trên đà “ăn nên làm ra” này, có lẽ chẳng mấy người biết rằng kinh tế của huyện Giao Thuỷ mới thực sự phát triển trong khoảng hơn chục năm trở lại đây.

Ông Lê Nam Thanh, Giám đốc Agribank chi nhánh Giao Thuỷ cho biết, cách đây khoảng 13 năm, nguồn vốn huy động tại địa phương chỉ vào khoảng 22 tỷ đồng, đủ biết đời sống bà con trong vùng khó khăn đến mức nào. Họ làm còn không đủ ăn thì nói gì tới dư dả để gửi NH. Cũng chẳng mấy ai nghĩ tới việc bung ra làm kinh tế, bám vào nông nghiệp mà giàu lên…

Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Huy động vốn trên địa bàn lên tới 900 tỷ đồng; dư nợ cả huyện khoảng 1.200 tỷ đồng. Agribank Giao Thuỷ phải vay vốn từ Trung ương để kịp phục vụ cho nhu cầu sản xuất của bà con. “Có thời điểm, vốn vay Trung ương của chúng tôi lên tới hơn 300 tỷ đồng, cho bà con vay lại với lãi suất ưu đãi chính sách, trừ chi phí xong không còn đồng lời nào, nhưng chúng tôi xác định vẫn phải làm để đảm bảo sản xuất thông suốt, giữ chân khách hàng”, ông Thanh nói.

Nếu chỉ dựa vào sự linh hoạt, năng nổ của cán bộ thôi thì chưa đủ để đồng vốn NH chảy đều xuống hàng nghìn hộ vay vốn như vậy. Ban Lãnh đạo Agribank Nam Định quả quyết, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành trong năm vừa qua chính là “kim chỉ nam” cho hoạt động của NH được mệnh danh là “bạn của nhà nông” này.

Tiêu biểu là Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã nâng dư nợ và hạn mức của mỗi món vay, rất phù hợp với hoạt động của các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi cho vay theo Nghị định 55 không phải có tài sản đảm bảo, NH chỉ giữ sổ đỏ để khách hàng không vay các đối tượng, tổ chức khác. Bên cạnh đó, với các thủ tục đơn giản hơn, cường độ lao động của cán bộ, nhân viên cũng được tiết giảm, các loại giấy tờ cũng giảm đáng kể...

Trước kia cho vay thời hạn ngắn có 1 năm, mỗi cán bộ tín dụng phụ trách 800 - 1.000 khách hàng thì “quay ra làm” không kịp. Đến nay, thời hạn món vay kéo dài 3 năm, điều kiện đã thuận lợi hơn nhiều. “Nghị định này tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho khách hàng và NH”, ông Tuấn khẳng định.

Thế nhưng, chính sách đã ít nhiều “cởi trói” này có vẻ vẫn chưa đủ với cán bộ NH - những người luôn đau đáu với việc làm thế nào để đồng vốn NH giúp bà con nông dân thực sự phát huy hết thế mạnh, tận dụng lợi thế địa phương để làm giàu cho bản thân.

Ông Lê Nam Thanh trăn trở, vừa qua Nghị định 55 đã nâng hạn mức cho vay nông nghiệp, hỗ trợ rất nhiều cho cả NH và khách hàng. Tuy nhiên là người trực tiếp hàng ngày xuống nắm nhu cầu của từng hộ nông dân, ông Thanh kiến nghị sắp tới nâng hạn mức vay lên 500 triệu đồng.

Ông phân tích, do đặc điểm kinh tế nông nghiệp của các hộ ở Giao Thuỷ nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung rất đa dạng, dòng tiền được chi tiêu vào nhiều mục đích nhằm đa dạng sản xuất. Do đó, hạn mức vay như hiện nay vẫn chưa đủ để người nông dân tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, trong khi tiềm năng phát triển còn rất lớn.

“Vài năm trở lại đây, kinh tế hộ gia đình vẫn là một trong những khu vực phát triển nhất và tạo ra nhiều lợi ích cho quốc gia. Khi các DN khó khăn, lao động tràn về nông thôn mà không thấy nông thôn kêu khó. Chỉ hiềm một nỗi là với khả năng cho vay có hạn, chúng tôi trăn trở không thể cho vay nhiều hơn để kinh tế hộ bứt phá lên. Do đó, tôi mong NH cấp trên có cơ chế để ở dưới yên tâm làm theo, không sai chính sách, lại thuận tiện cho khách hàng và chính NH”, ông Thanh chia sẻ.