Agribank Phú Yên: Điểm tựa cho nghề biển

Theo Thời báo Ngân hàng

Vào những thời điểm khó khăn này, cả Agribank Phú Yên nói chung và Agribank Tuy An nói riêng cùng ghé vai chia sẻ khó khăn với bà con.

Thu hoạch tôm hùm ở Phú Yên
Thu hoạch tôm hùm ở Phú Yên

Những “tỷ phú tôm hùm”

Trong thời điểm cả nước đang hướng về ngư dân với những việc làm thiết thực, nên khi biết ý định của tôi muốn “mục sở thị” hiệu quả nguồn vốn từ Agribank đối với ngư dân địa phương, ông Huỳnh Hữu Phương - Phó giám đốc Agribank Phú Yên không chút ngần ngừ khuyên tôi nên đi Tuy An. Theo ông Phương, ở Tuy An thời gian gần đây có nhiều hộ ngư dân đã “phất” lên trở thành những tỷ phú nhờ vốn vay NH.

Tuy An là huyện ven biển của Phú Yên, diện tích khoảng 435 km2. Đặc biệt, địa phương có chiều dài bờ biển gần 40 km chạy dọc từ xã An Ninh Tây vào đến xã An Chấn. Cách bờ chừng 1 đến 3 km là hệ thống các đảo như đảo Hòn Yến xã An Hòa, đảo Hòn Chùa xã An Chấn, đảo Lao mái Nhà xã An Hải… rất thích hợp cho việc nuôi trồng thuỷ hải sản, đặc biệt là tôm hùm.

Ông Lại Văn Bá - Giám đốc Agribank Tuy An cho biết, những năm gần đây hoạt động tín dụng của chi nhánh chủ yếu phục vụ nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông ngư nghiệp, đặc biệt là đầu tư vốn cho các hộ dân nuôi tôm hùm, tôm sú; đánh bắt hải sản xa bờ. Tổng dư nợ của chi nhánh năm 2015 đạt gần 390 tỷ đồng, riêng lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản chiếm đến 41% tổng dư nợ.

Theo chân cán bộ tín dụng Agribank Tuy An, sau khoảng 30 phút từ thị trấn Chí Thạnh chúng tôi đã có mặt tại xã An Ninh Đông, một trong những địa phương nổi tiếng ở Phú Yên và cả khu vực Nam Trung bộ với nghề nuôi tôm hùm. An Ninh Đông có rất nhiều những nhà biệt thự với kiểu dáng bắt mắt san sát nhau, được xây dựng rất kiên cố… chứng tỏ đời sống của bà con nơi đây rất khấm khá.

Trong căn biệt thự được thiết kế xinh xắn còn thơm mùi sơn, ông Trần Công Bình ở thôn Phú Lương vui vẻ chia sẻ niềm vui với khách, căn nhà mới xây xong, trị giá hàng tỷ đồng.

Ông Bình cho biết, tất cả nhờ con tôm. Năm 1995, khi mới lập gia đình, ông thấy nhiều hộ trong thôn nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao, ông tính chuyện nuôi thử. Muốn nuôi, nhưng ngặt nỗi vốn liếng không có, ông mạnh dạn lên Agribank Tuy An vay 30 triệu đồng cùng với số tiền tiết kiệm từ đi biển, bắt đầu nuôi tôm hùm. Lúc đầu vốn ít, gia đình chỉ nuôi cầm chừng, khi đã có kinh nghiệm hơn cùng với những hỗ trợ về vốn từ Agribank số lượng lồng nuôi tôm của gia đình được nhân lên theo thời gian…

Với mức giá trung bình 1,6 triệu đồng/kg tôm hùm, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình còn thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2014 được giá trúng đậm, ông Bình lời gần 2 tỷ đồng từ nghề nuôi tôm hùm.

Tương tự, cũng trở thành tỷ phú từ nghề nuôi tôm hùm trong thôn Phú Lương còn có ông Nguyễn Quá. Theo một số người dân địa phương ông Quá là một trong những người khởi thủy nghề nuôi tôm hùm ở An Ninh Đông. Hiện, gia đình đang nuôi khoảng 5.000 con tôm sao và 3.000 tôm xanh. Ông Quá nhẩm tính, nếu mọi việc xuôi chèo mát mái thì tới đây ông sẽ bỏ túi khoảng 1 tỷ đồng từ tôm hùm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 3 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng…

Theo ông Quá, nghề nuôi tôm hùm không quá khó, nhưng cũng không phải chuyện dễ. Để nuôi tôm hùm đầu tiên là phải có vốn. Giá tôm hùm giống rất đắt đỏ khoảng 350 - 400 nghìn đồng/con, chưa kể chi phí làm lồng, rồi thức ăn cho tôm hàng ngày, chi phí đầu tư cho mỗi lồng lên đến hàng trăm triệu đồng… Tiền đầu tư nhiều thế, nếu không có NH hỗ trợ thì ngư dân chỉ biết đứng nhìn, chứ làm sao nổi. Trong quá trình nuôi, ngoài yếu tố kinh nghiệm thì nguồn nước phải đảm bảo không được ô nhiễm. Có vậy mới giảm được rủi ro, dịch bệnh ở tôm.

Ngân hàng tiếp vốn

Trong câu chuyện vui đổi đời từ con tôm, ông Lại Văn Bá cho biết thêm, ngoài những tỷ phú như ông Trần Công Bình hay Nguyễn Quá chỉ tính riêng tại An Ninh Đông còn có nhiều “tỷ phú tôm hùm” nữa. Điểm chung ở họ là dám nghĩ dám làm và… liều vay vốn NH để làm ăn lớn.

Nhắc đến chuyện liều vay vốn NH để làm giàu, ông Trần Công Bình nhớ lại, thời điểm năm 1995, 1996 An Ninh Đông còn là một vùng nghèo xơ xác, muốn vay vốn NH mà không có tài sản thế chấp, vốn liếng trong nhà ngó quanh “trống trơn”. Nhưng, thấy có thể làm giàu từ nghề nuôi tôm ngay trên mảnh đất quê hương nên vợ chồng ông cùng một số anh em mạnh dạn lên gõ cửa Agribank Tuy An.

Thấy bà con quyết tâm làm ăn, nhưng ngặt nỗi lại thiếu tài sản thế chấp. Nên có thời điểm chi nhánh phải linh động cho vay vốn theo hình thức tín chấp từ ít lên nhiều. Lợi nhuận từ vụ tôm trước tiếp tục dồn vào vụ sau, cứ thế quy mô nghề nuôi tôm ở Tuy An liên tục phát triển.

Đáp ứng nhu cầu vốn cho người nuôi, Agribank Tuy An cũng như những huyện, thị ven biển khác ở Phú Yên đã chủ động phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể cơ sở lập danh sách hộ nuôi có nhu cầu vốn và phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thẩm định, giải ngân kịp thời.

Không chỉ hỗ trợ cho bà con ngoài hình thức cho vay thế chấp tùy theo giá trị tài sản và nhu cầu vốn của hộ nuôi, Agribank Tuy An còn cho vay theo hình thức tín chấp thông qua Nghị quyết 2308 giữa Hội Nông dân với Agribank.

Theo quy định, mức vay của hình thức vay tín chấp tối đa là 30 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho bà con có thời điểm NH đã linh động nâng mức vay lên. Ngoài ra, đối với những hộ còn nợ NH từ vụ tôm năm trước nhưng gặp khó khăn trong việc trả nợ thì cũng được NH xem xét gia hạn nợ và tiếp tục cho vay mới để tái đầu tư.

Ông Lại Văn Bá cho biết thêm, khi vào vụ nuôi, ngư dân đi vay vốn. Nhưng đến vụ thu hoạch có gia đình đến gửi tiền tỷ tại NH, mối quan hệ giữa NH và người dân thêm bền chặt, thuỷ chung…

Hàng năm, sản lượng nuôi tôm hùm ở Phú Yên đạt khoảng 600 - 700 tấn thương phẩm cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng, góp phần xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân ven biển… Tuy có nhiều người ở Phú Yên đã trở thành tỷ phú từ nghề tôm hùm, song có không ít người sạt nghiệp cũng vì con tôm. Bởi, nghề nuôi tôm hùm cũng lắm rủi ro từ dịch bệnh rồi thiên tai.

Đơn cử, trong cơn bão lịch sử năm 2009, chỉ trong một đêm, nhiều bà con không kịp dời tôm ra xa, đầm bị ngọt hóa, tôm chết hàng loạt, nhiều người trắng tay, nợ nần đầm đìa. Thời gian gần đây, do mật độ nuôi tôm hùm ngày càng dày, mặt nước bắt đầu ô nhiễm, xuất hiện dịch bệnh gây tổn thất lớn cho cả ngư dân lẫn NH.

Vào những thời điểm khó khăn này, cả Agribank Phú Yên nói chung và Agribank Tuy An nói riêng cùng ghé vai chia sẻ khó khăn với bà con.

Theo đó, ngoài miễn giảm, khoanh nợ… đối với những hộ còn nợ NH từ vụ tôm năm trước chưa có khả năng trả nợ, NH cũng tạo điều kiện tiếp tục cho vay mới để tái đầu tư. Hiện, tại mỗi xã của Tuy An đều có cán bộ tín dụng Agribank “cắm” tại địa bàn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh cũng như chia sẻ khó khăn với người dân.

Trong câu chuyện làm giàu của những “tỷ phú tôm hùm” ở An Ninh Đông hôm nay, họ thường nhắc về hành trình gian nan trở thành những tỷ phú. Trong đó, ngoài những nỗ lực cố gắng còn có sự hỗ trợ, tạo điều cho vay vốn kịp thời từ Agribank. Những đóng góp đó tuy âm thầm nhưng rất hiệu quả, góp phần xây dựng một vùng đất vừa “phú”, vừa “yên”…