Cho vay theo Nghị định 67:

Agribank Quảng Bình nhân niềm vui cho ngư dân

Viết Chung

Có thể nói, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự “chắp cánh” cho ước mơ chinh phục ngư trường lớn của ngư dân Quảng Bình. Vươn khơi bám biển trên những con tàu công suất lớn, ngư dân Quảng Bình vừa có điều kiện làm giàu chính đáng, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hành trình của ngư dân Quảng Bình, có sự đồng hành tích cực của Agribank.

Tàu "67" của ngư dân Trần Quân (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) được đóng mới từ nguồn vốn vay Agribank.
Tàu "67" của ngư dân Trần Quân (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) được đóng mới từ nguồn vốn vay Agribank.

Nhân niềm vui cho ngư dân

Tại Quảng Bình, trước khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đã có rất nhiều ngư dân táo bạo đầu tư tiền tỷ để đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu để vươn khơi. Tuy nhiên, dù táo bạo lắm ngư dân cũng không dám đầu tư những con tàu gỗ công suất 400-500CV. Từ khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nhiều ngư dân đã có trong tay những con tàu hiện đại, có công suất đến trên 800CV, trị giá trên 10 tỷ đồng, thậm chí có tàu vỏ thép gần 1 triệu USD.

Dọc bờ biển Quảng Bình hiện có gần 10 xưởng đóng tàu lớn nhỏ, và xưởng nào cũng tấp nập với những con tàu lớn sắp hạ thủy và chuẩn bị đóng mới, trong đó có nhiều tàu có công suất trên 800CV, được đóng từ nguồn vốn vay theo NĐ 67.

Tại xưởng đóng tàu rộng 2ha của Công ty Thắng Lợi ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), 4 chiếc tàu vỏ gỗ vừa hoàn thành và sắp được hạ thủy. Cũng tại xưởng này, có 3 chiếc tàu mới được khởi công và gần 40 người thợ lành nghề đang khẩn trương hoàn thành phần khung. Theo lãnh đạo Công ty Thắng Lợi, những chiếc tàu được hợp đồng với công ty gần đây đa số là tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với công suất trên 800CV, trị giá hơn 10 tỷ đồng/tàu.

Trong khi đó, tại bờ biển xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, xưởng đóng tàu truyền thống của ngư dân Nguyễn Văn Hồng từ 2 năm qua luôn nhộn nhịp, bận rộn. Theo ông Hồng, 2 năm qua, đã có gần 40 chiếc tàu được hạ thủy tại xưởng này, với công suất mỗi tàu từ 500 - 800CV.

Ông Trương Công Hoạt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết thêm, chỉ tính riêng năm 2015, ở Đức Trạch đã có 19 chiếc tàu cá được đóng mới, trong đó có 17 chiếc đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (có 2 tàu vỏ thép)…

Quảng Bình cũng là địa phương có tàu cá vỏ gỗ công suất lớn nhất đầu tiên (814 CV) của cả nước được hạ thủy vào ngày 7/6/2015. Chủ nhân tàu cá công suất lớn này là ngư dân Trần Đình Thủy ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết, tổng số vốn của tàu là 11 tỷ đồng, trong đó gia đình ông bỏ ra 3,3 tỷ đồng, số còn lại vay tại Agribank Chi nhánh Quảng Bình theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh được lựa chọn ký hợp đồng đóng mới con tàu.

Ngư dân Trần Đình Thủy cũng cho biết, tàu của anh hạ thủy từ đầu năm 2015 và tính đến nay đã có 6 chuyến đánh bắt ở vùng biển xa. “Ngày hạ thủy con tàu, tôi mừng nhưng cũng lo lắm. Tàu lớn, hiện đại nhưng với 28 lao động trên tàu, không biết có nuôi được anh em không. Thế nhưng thực tế qua 6 chuyến biển, chúng tôi đều có doanh thu từ 1- 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí chúng tôi lãi ròng 300-400 triệu đồng/chuyến” – anh Thủy chia sẻ.

Nối tiếp ngư dân Nguyễn Văn Thủy, nhiều ngư dân khác ở Bố Trạch, Ba Đồn… cũng nhanh chóng sở hữu những con tàu công suất lớn đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Với con tàu mới 829CV làm nghề lưới vây vỏ gỗ, ngư dân Mai Hải ở xã Quảng Lộc (Quảng Trạch) đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 18 ngư dân địa phương sau nhiều chuyến đi biển...

Con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đầu tiên của tỉnh Quảng Bình dài 28m, rộng 7,2m, cao 3,2m, công suất 811CV, được anh Nguyễn Hữu Sáu ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) đặt đóng tại DNTN cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh Thái Bình) với tổng kinh phí vỏ và trang bị máy móc, ngư lưới cụ gần 18 tỷ đồng. Theo anh Sáu, đây là một con tàu rất hiện đại, có kho đông lạnh vừa đánh bắt vừa thu mua hải sản của các tàu bạn trên biển.

Trên những con tàu công suất lớn, ngư dân Quảng Bình đang rất vững tâm với những chuyến đi biển trên hải phận của Tổ quốc, vừa đánh bắt hải sản làm giàu cho gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng hànhcùng “tàu 67”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 87 tàu cá (gồm cả vỏ gỗ và vỏ thép) được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Trong đó, 17 tàu mới hạ thủy, 11 tàu đã đi vào hoạt động và rất hiệu quả. UBND tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân tiếp cận vay vốn để tiếp tục đóng tàu mới…

Tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các Ban, ngành liên quan cùng người dân, Agribank chi nhánh Quảng Bình ngay lập tức vào cuộc, đưa Nghị định 67/2014/NĐ-CP đi vào cuộc sống. Đến nay, Agribank Quảng Bình đã ký kết 19 hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá, trong đó cho vay đóng mới 12 tàu cá công suất trên 800CV, 07 tàu cá công suất 400- 800 CV, trong đó có 15 tàu vỏ gỗ và 04 tàu vỏ thép, 17 tàu khai thác và 02 tàu dịch vụ hậu cần. Tổng số tiền Agribank Quảng Bình cam kết cho vay trên 180 tỷ đồng.

Với nguồn vốn được Agribank cung ứng đầy đủ và kịp thời, ngư dân Quảng Bình và cả nước đã và đang từng ngày hiện thực hóa giấc mơ làm chủ ngư trường rộng lớn, làm giàu từ kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Tại Hội nghị sơ kết hơn 1 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại Quảng Ngãi, Agribank đã được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN về thành tích xuất sắc trong triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Là một trong số ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với cam kết dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cho chương trình này, đến nay, toàn hệ thống Agribank đã triển khai cho vay 152 tàu, trong đó cho vay đóng mới 138 tàu và nâng cấp 14 tàu. Tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng đã ký kết là 1.241,13 tỷ đổng, và đã giải ngân được 768,39 tỷ đồng. Các con tàu đều được giải ngân đúng tiến độ để đảm bảo thời gian hạ thủy. Ngoài ra, Agribank hiện đang thẩm định 65 tàu với tổng số tiền vay dự kiến 736,63 tỷ đồng. Với kết quả này, Agribank là ngân hàng thương mại có tổng số tàu cho vay chiếm tỷ trọng 38% tổng số tàu cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Nhiều chi nhánh Agribank các địa phương ven biển đã, đang và tiếp tục tích cực vào cuộc cùng “tàu 67”.