Agribank và Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác “Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững”

PV.

Ngày 15/7/2016, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” tại Hà Nội. Tại hội thảo, Agribank và Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác “Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững”.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng - đại diện Agribank, và Tổng Giám đốc Vingroup Dương Thị Mai Hoa, đại diện Vingroup, ký kết thỏa thuận hợp tác "Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững".
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng - đại diện Agribank, và Tổng Giám đốc Vingroup Dương Thị Mai Hoa, đại diện Vingroup, ký kết thỏa thuận hợp tác "Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững".

Hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” diễn ra với sự tham dự của đồng chí Phạm Xuân Đương – Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Bộ Công thương; Bộ Y tế; FAO; các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng doanh nghiệp. Đồng hành cùng sự kiện này, đại diện lãnh đạo Agribank, Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc tham gia chủ trì và có bài tham luận “Tiếp sức cho nông nghiệp thay đổi tư duy và hành động vì một nền nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững”.

Hội thảo đã nghe tham luận của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Bộ Công thương, FAO… đề cập đến hiện trạng vấn đề an toàn các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam; Truy xuất nguồn gốc trong công tác quản lý an toàn nông sản, thực phẩm của Việt Nam; Giải pháp kết nối nông sản an toàn và hệ thống tiêu dùng nội địa giúp người tiêu dùng nhận diện đúng chất lượng sản phẩm…

Với vai trò là Ngân hàng Thương mại đầu tư lớn nhất cho nông nghiệp, nông thôn, chiếm 50% nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này của toàn hệ thống Tổ chức tín dụng, bài tham luận “Tiếp sức cho nông nghiệp thay đổi tư duy và hành động vì một nền nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững” của Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự.

Trải qua gần 30 năm phát triển, đồng hành, gắn bó thủy chung với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, là ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank nhận thức rất rõ những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó đầu ra cho nông sản Việt là “bài toán” sống còn. Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản số 4432-NHNo-KHND về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội.

Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên…

Nhiều chương trình tín dụng quan trọng Agribank triển khai đều gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, đi đầu trong cho vay thí điểm chuỗi liên kết và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thực tế cho thấy, tất cả các đối tác tham gia chuỗi liên kết đều giảm được chi phí hoạt động, sản phẩm đầu ra tìm được chỗ đứng tại các thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng rất khắt khe về các tiêu chí xanh, sạch, an toàn.

Tuy nhiên, hiện nay các mô hình đầu tư sản xuất nông sản sạch vẫn khó phát triển. Sau 02 năm thí điểm, Agribank đã đầu tư 12/13 dự án sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi liên kết được NHNN phê duyệt, trong đó đã xuất hiện dự án có dấu hiệu khó khăn, có khả năng phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được yếu tố giá cả trên thị trường.

Với 2/3 dư nợ cho vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có thể nói Agribank đang là doanh nghiệp đầu tư lớn nhất cho “Tam nông”. Với nhận thức đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết là hướng đi tất yếu để Việt Nam có được nền sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, giữ được thị trường tiêu dùng trong nước và có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, thời gian tới, Agribank xác định kiên trì mục tiêu ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tạo các cơ chế ưu đãi hơn nữa nhằm đẩy mạnh chương trình tín dụng xanh, cho vay theo mô hình chuỗi liên kết, hỗ trợ tối đa đối với doanh nghiệp đầu chuỗi, mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao, hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp lớn… Tổ chức chương trình truyền thông đến 100% khách hàng là hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, phối kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ Việt Nam lồng ghép tuyên truyền đến các thành viên vay vốn.

Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng bày tỏ mong muốn để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần có sự vào cuộc tích cực trách nhiệm của các Bộ, Ngành, chính quyền các cấp. Ban Bí thư Ban BCH Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 08 ngày 21/10/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014- 2020, Agribank đề nghị cơ quan nhà nước các cấp xem xét hoặc tham mưu thẩm định, phê duyệt, đảm bảo tính pháp lý các dự án, phương án vay vốn theo chương trình tín dụng xanh để tạo điều kiện cho Agribank đẩy nhanh tiến độ thẩm định cấp tín dụng.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, tại Hội thảo, Agribank đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác “Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững” với Tập đoàn Vingroup nhằm góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững, vì sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân, hình thành và phát triển các chương trình tín dụng xanh, các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu thực phẩm sạch, nông sản hữu cơ, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap, Global Gap…