Agribank Vĩnh Tường - “mắt xích” liên kết chuỗi

Theo Báo Vĩnh Phúc

Là một trong những chi nhánh đứng tốp đầu trong hệ thống Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) của tỉnh, Chi nhánh Agribank Vĩnh Tường đã và đang triển khai nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn. Một trong những mô hình phải kể đến đó chính là chương trình cho vay theo liên kết chuỗi trong dự án cho vay chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường), tạo bước đi vững chắc giữa Ngân hàng - Doanh nghiệp - Người dân.

Sự gắn kết trong chương trình cho vay theo liên kết chuỗi đã giúp gia đình anh Tăng Đình Dậu, thôn Khánh Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa
Sự gắn kết trong chương trình cho vay theo liên kết chuỗi đã giúp gia đình anh Tăng Đình Dậu, thôn Khánh Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa

Những ai đã từng đặt chân đến vùng đất bãi Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường), nay có dịp trở lại đều ngỡ ngày trước sự đổi thay nhanh chóng. Những con đường mưa lầy, nắng bụi trước kia đã thay bằng những dải bê tông thẳng tắp, bên cạnh đó những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, người dân không phải ăn bữa trước, lo bữa sau mà họ đã có của ăn, của để… Đạt được thành công đó là sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng của người dân nơi đây và đặc biệt là sự đồng hành nguồn vốn của Agribank Vĩnh Tường đã giúp họ thoát nghèo bền vững và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình nhờ chăn nuôi bò sữa.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Agribank Vĩnh Tường cho biết: “Giữ vai trò chủ đạo trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn, Agribank Vĩnh Tường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng và sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Năm 2009, Agribank Vĩnh Tường bắt đầu triển khai “Dự án cho vay chăn nuôi bò sữa” ở xã Vĩnh Thịnh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát đồng vốn, thu lãi và gốc vay đã gặp một số khó khăn, vẫn còn nợ quá hạn, cán bộ tín dụng mất nhiều thời gian để xuống từng hộ vay vốn để thu tiền…

Trước thực trạng đó, năm 2013, Agribank Vĩnh Tường xây dựng chương trình cho vay theo liên kết chuỗi giữa Ngân hàng - doanh nghiệp - người dân. Tức là Ngân hàng sẽ cung cấp vốn vay và mở tài khoản cho người chăn nuôi bò sữa tại Agribank Vĩnh Tường; ngân hàng kết nối với Công ty thu mua sữa, đứng ra thu tiền và chi trả cho từng hộ theo danh sách của doanh nghiệp. Định kỳ, theo hợp đồng, người dân sẽ được nhận tiền bán sữa vào tài khoản của mình và được hệ thống ngân hàng thông báo khi tiền về tài khoản, khi nào cần họ có thể rút.

Như vậy, ngân hàng dễ dàng hơn trong việc quản lý dòng tiền vay, chủ động trong việc thu lãi và gốc (đối với những hộ vay vốn) đồng thời cũng có thêm một nguồn vốn huy động từ người dân. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí về từng thôn để thanh toán tiền sữa. Còn người dân yên tâm và chủ động về nguồn tiền của mình, chủ động nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn vì người dân chưa hiểu, họ sợ thủ tục phức tạp, ngân hàng sẽ giữ lại tiền… nhưng sau khi được cán bộ tín dụng giải thích thì người dân đã hiểu được lợi ích của chương trình cho vay theo liên kết chuỗi, hiện tại hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa đều tham gia vào mô hình liên kết chuỗi”.

Anh Lương Hữu Toản, thôn Khánh Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 25 con bò sữa, trung bình 1 ngày thu trên 3 tạ sữa, trừ hết chi phí, 1 năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2 lao động. Thành công đó sẽ không trở thành hiện thực nếu như chúng tôi không có sự đồng hành và gắn kết của Agribank Vĩnh Tường.

Đặc biệt, từ khi tham gia chương trình cho vay theo liên kết chuỗi giữa ngân hàng - doanh nghiệp - người dân, chúng tôi thấy thuận lợi hơn rất nhiều. Nó không chỉ giảm thiểu về thời gian, chi phí đi lại, độ an toàn trong quản lý tiền mà doanh nghiệp thu mua sữa thanh toán đều hơn, nhanh hơn. Trước đây, 2 tháng công ty mới cử người về thanh toán 1 lần, hiện nay thanh toán 2 lần/1 tháng mà không phải mất thời gian chờ đợi. Cứ theo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ chuyển tiền vào ngân hàng và ngân hàng trích vào từng tài khoản theo danh sách doanh nghiệp gửi. Khi đó, chúng tôi lại được hệ thống ngân hàng gửi tin nhắn thông báo số tiền vừa nhận trong tài khoản, bất cứ khi nào cần tiền, tôi có thể đi rút nếu không có thể chuyển sang gửi tiết kiệm.

Cùng chung quan điểm trên, anh Tăng Đình Dậu cùng thôn Khánh Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: Từ khi tham gia chương trình cho vay theo liên kết chuỗi giữa ngân hàng - doanh nghiệp - người dân, tôi thấy rất hiệu quả, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí đi lại và an toàn. Chỉ cần nhắn tin thì tất cả mọi giao dịch như chuyển tiền, nhận tiền, trả lãi, gốc vay… khi ngồi ở nhà tôi đều có thể thực hiện được mà không phải mất nhiều thời gian đến tận ngân hàng. Thông qua mô hình liên kết chuỗi, chúng tôi có thể yên tâm hơn, chủ động hơn về nguồn vốn, về công ty thu mua sữa để tiếp tục đầu tư và phát triển kinh tế gia đình…

Có thể thấy, mô hình cho vay theo liên kết chuỗi là mô hình mới, được ngân hàng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững, tháo gỡ được những nút thắt mà các bên tham gia trong quá trình cung ứng vốn, vay vốn và thu mua đang gặp phải.