Chung tay vì một nền kinh tế xanh bền vững

PV.

Triển khai định hướng này, tại Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững - 2016” với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường” diễn ra sáng nay 06/9 tại Hà Nội, Agribank thể hiện rõ quan điểm của đơn vị thông qua bài tham luận: “Chính sách hỗ trợ vốn và tiếp sức cho Tam nông thay đổi tư duy, hành động vì một nền nông nghiệp xanh-sạch-an toàn và phát triển bền vững".

Agribank và Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác “Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững”, ngày 15/7/2016.
Agribank và Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác “Về đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững”, ngày 15/7/2016.

Chung tay phát triển kinh tế xanh

Phát biểu tại Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững – 2016), TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nêu ra những con số đáng báo động về suy thoái môi trường nông nghiệp.

Cụ thể, về đất, cả nước có khoảng 2 triệu ha đất suy thoái nghiêm trọng và 9,3 triệu ha đất đang bị thoái hóa. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu đã làm thoái hóa đất, tăng quá trình axit hóa đất và làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy một tình trạng rất đáng báo động, đó là Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn so với Thái Lan và Philippines (hai nước sản xuất nông nghiệp lớn tại ASEAN). Bên cạnh đó, hàng triệu tấn chất thái hữu cơ và chất ô nhiễm khác cũng đang được thải ra môi trường nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm)…

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tăng đầu tư công cho bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp định hướng và phát triển kinh tế phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình Kinh tế xanh.

Chung tay phát triển kinh tế xanh, với tư cách là ngân hàng thương mại (NHTM) đi đầu trong tài trợ tín dụng cho các mô hình tăng trưởng xanh, ông Vũ Trọng Thắng, Phó ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân (đại diện của ngân hàng Ảgibank) cho rằng: Một vấn đề đang tồn tại mà chúng ta phải thừa nhận, đó là nền nông nghiệp của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn đang duy trì phương thức sản xuất cũ, manh mún, tự phát.

“Việc sử dụng tràn lan không kiểm soát các chất cấm trong sản xuất ở tình trạng đáng báo động; chất lượng đầu ra của sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, tính liên kết hạn chế, nếu không nói là yếu kém; ứng dụng công nghệ cao mới bắt đầu triển khai ở giai đoạn thí điểm… dẫn đến chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó tìm được chỗ đứng ở các thị trường tiềm năng”, ông Vũ Trọng Thắng cho hay.

Theo ông Vũ Trọng Thắng, nhận thức sâu sắc rằng phát triển bền vững sẽ đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất kinh doanh và giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu các rủi ro, Agribank tập trung đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã cuộc triển khai với các hành động cụ thể sau:

Ban hành văn bản số 4432-NHNo-KHND về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội.

Ngoài ra, Agribank còn tham gia nhiều dự án, chương trình có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do World Bank và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên...

Vì một nền kinh tế xanh bền vững

Từ thực tế triển khai trên cả nước, Agribank băn khoăn vì hiện nay các mô hình đầu tư sản xuất nông sản sạch vẫn khó phát triển. Cụ thể, sau 2 năm triển khai thí điểm, Agribank đã đầu tư 12/13 dự án sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi liên kết được NHNN phê duyệt.

Trong đó đã xuất hiện dự án có dấu hiệu khó khăn, có khả năng phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được yếu tố giá cả trên thị trường, khi người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm nào là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch. Do đó, để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, theo Agriank cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền các cấp.

Xác định việc đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ là mục tiêu chiến lược vì một nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn và phát triển bền vững.

Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ rất coi trọng kinh tế xanh, xuất phát từ thực tiễn tham gia triển khai, Agribank đề xuất một số giải pháp, kiến nghị đối với Chính phủ, NHNN, các bộ ngành liên quan và địa phương như sau:

Một là, sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu.

Xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Hai là, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết “4 Nhà” nhưng còn phụ thuộc lớn vào năng lực tài chính, quản trị, điều kiện kho bãi, nhà máy chế biến... Do vậy, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng Nhà và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết.

Ba là, chính quyền địa phương quan tâm, ổn định quy hoạch vùng, tiểu vùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng (như: Xúc tiến nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận, gia hạn, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất...).

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, bảo hiểm năng suất, sản lượng…

Năm là, khuyến khích các hiệp hội, chỉ đạo các thành viên thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận nhằm hạn chế việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây thiệt hại cho nhau. Gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi nhằm kiểm soát và có chế tài xử lý đối với tình trạng kiềm giá, ép giá…

Riêng Agribank sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 phù hợp với định hướng, mục tiêu của Agribank và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh đầu tư đối với 07 chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn (gồm: Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, Nghị quyết 30a/208/NQ-CP, CV 1149/TTg, Quyết định 540/QĐ-TTg, Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị quyết 14/NQ-CP ...) và 01 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa ngân hàng - nhà nông - doanh nghiệp.

Xây dựng chiến lược khách hàng, ban hành các cơ chế, chính sách, gói cho vay theo từng đối tượng gắn với bảo hiểm nông nghiệp, phù hợp với quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Triển khai đề án điểm kinh doanh lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm giúp cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tiết kiệm chi phí, an toàn và thuận lợi nhất.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ trong triển khai thỏa thuận hợp tác đối với các đơn vị đầu mối là các Tập đoàn, các Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… tiếp tục giữ vững vai trò, vị thế của NHTM hiện đang đầu tư lớn nhất cho “tam nông”.

Tại Diễn đàn "Kinh tế xanh cho phát triển vững", Agribank đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng Chứng nhận Top 10 doanh nghiệp xuất sắc trong phát triển kinh tế xanh vì môi trường xã hội do người tiêu dùng bình chọn.