Điểm giao dịch lưu động Agribank: Kênh dẫn vốn hiệu quả tới vùng sâu, vùng xa

PV.

Sau khi khảo sát, xây dựng Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng từ tháng 11/2017, Agirbank đã bắt đầu triển khai thử nghiệm Đề án tại 6 tỉnh/thành phố (gồm: Thanh Hóa, Hà Tây, Sơn La, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Thuận). Việc làm này góp phần đáp ứng nhu cầu gửi, vay vốn; cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, được chính quyền, nhân dân các địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Mô hình ngân hàng thiết thực, hiệu quả
Nhu cầu vay vốn, tiết kiệm và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của người dân ở khu vực nông thôn hiện nay đang ngày càng tăng, cơ sở khách hàng lớn (hơn 10 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp), trong khi mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank khó có thể đáp ứng được hết nhu cầu giao dịch cũng như thuận tiện cho người dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa, những nơi mà Agribank chưa có trụ sở ngân hàng.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm 2017, Agribank đã đề xuất triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư. Đề xuất này của Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai.

Trên cơ sở đó, tháng 11/2017, Agribank tổ chức triển khai thử nghiệm thành công Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 6 địa phương, gồm: Thanh Hóa, Hà Tây, Sơn La, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu gửi, vay vốn; cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, được chính quyền, nhân dân các địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Điểm giao dịch lưu động Agribank: Kênh dẫn vốn hiệu quả tới vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1
Nguồn: Agribank

Theo thống kê của Agribank, khu vực Tây Nguyên bình quân 18 xã/1 phòng giao dịch; Khu vực Trung du miền núi phía Bắc bình quân 15 xã/1 phòng giao dịch. Có những địa bàn khoảng cách từ xã đến phòng giao dịch xa nhất là trên 60 km. Bên cạnh đó, bình quân một cán bộ tín dụng quản lý từ 800-1.000 hộ vay vốn trong điều kiện địa bàn đi lại vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh đó, để duy trì và tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn là vấn đề không đơn giản. Do vậy, việc xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng sẽ tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực cho Agribank, bởi chi phí để mở, xây dựng một phòng giao dịch lớn hơn nhiều lần so với Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Theo tính toán của Agribank, việc giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng không làm tăng số lượng lao động, chỉ cần thực hiện sắp xếp lại lao động, thay vì việc cán bộ ngồi giao dịch tại Trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch thì cán bộ sẽ luân phiên tham gia Tổ giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng đi xuống địa bàn đã được xác định trước, nhằm giảm thiểu khách hàng ở xa phải đến Trụ sở Chi nhánh giao dịch.

Kết hợp cho vay qua tổ, việc hình thành và đưa vào triển khai Điểm giao dịch lưu động góp phần giảm tải, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, theo đó mở rộng quy mô tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Agribank trên thị trường.

Ô tô chuyên dùng có két gắn liền với các phương tiện kỹ thuật an toàn, có công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống cung cấp điện, thiết bị định vị và giám sát đa năng... đảm bảo mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay tại ô tô chuyên dùng. Bằng việc trang bị những thiết bị tối cần thiết để thuận tiện cho các hoạt động giao dịch tại chỗ, Điểm giao dịch lưu động thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ: Giải ngân các khoản vay đã được phê duyệt; thu nợ, lãi tiền vay... từ khách hàng do Agribank cho vay trực tiếp hoặc cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay cầm cố bằng số dư thẻ tiết kiệm do Agribank phát hành; cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích khác...

Điểm giao dịch lưu động Agribank: Kênh dẫn vốn hiệu quả tới vùng sâu, vùng xa - Ảnh 2
Nguồn: Agribank
Dẫn vốn về vùng sâu, vùng xa

Khi điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng được triển khai, khách hàng ở các vùng sâu, vùng xa sẽ thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ của Agribank, giảm thời gian đi lại và chờ đợi làm thủ tục. Điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại lợi ích kép cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa.

Đề án thành lập Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hiện thực sẽ góp phần giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới tại các vùng xa xôi, hẻo lánh trên phạm vi cả nước; phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng. Từ đó, góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nư­ớc. Đây cũng điều kiện thuận lợi góp phần củng cố và tăng cường uy tín, vị thế của Agribank, ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Theo kế hoạch, ngay tháng 1/2018, Agribank sẽ chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trên diện rộng, tại 62 tỉnh, thành với tổng số 68 xe của giai đoạn I. Đối với các tỉnh có địa bàn rộng, Agribank sẽ ưu tiên bố trí nhiều xe chuyên dùng để triển khai nhiều điểm giao dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai 250 xe chyên dùng phục vụ cho các điểm giao dịch trên toàn quốc sau 1 năm triển khai thực hiện…

Tháng 11/2017, Agribank tổ chức triển khai thử nghiệm thành công Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 6 địa phương, gồm: Thanh Hóa, Hà Tây, Sơn La, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Thuận. Dự kiến Agribank sẽ chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trên diện rộng, tại 62 tỉnh, thành với tổng số 68 xe của giai đoạn I từ tháng 1/2018.