Vốn Agribank đã phát huy hiệu quả tại khu vực Tây Nam Bộ

PV.

Tận dụng những ưu thế phát triển, Agribank nhiều năm qua đã dành sự quan tâm phát triển cho khu vực Tây Nam Bộ với mục đích tăng cường hiệu quả chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, nhằm chủ động chuyển hướng đầu tư, tăng tính cạnh tranh so với các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Thống kê, đến nay dư nợ khu vực Tây Nam Bộ đạt 14% tổng dư nợ toàn hệ thống Agirbank, quy mô đứng hàng thứ 3/10 khu vực.

"Nông dân bạc tỷ" Đỗ Văn Thum (áo xanh) cùng đại diện chính quyền địa phương và cán bộ Agribank trên cánh đồng khoai lang rộng 24 ha
"Nông dân bạc tỷ" Đỗ Văn Thum (áo xanh) cùng đại diện chính quyền địa phương và cán bộ Agribank trên cánh đồng khoai lang rộng 24 ha

Thu bạc tỷ nhờ chuyên canh cây đặc sản

Theo chân những cán bộ tín dụng của Agribank huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long  -  Vùng nổi tiếng về trông và xuất khẩu khoai lang; người nông dân nơi đây đã bao đời gắn bó với nghề trồng khoai lang, nhiều nông dân thu bạc tỷ nhờ trồng khoai lang xuất khẩu.

Băng qua những cánh đồng khoai lang xanh mướt trải dài hút cả tầm mắt, chúng tôi đến thăm hộ nông dân Đỗ Văn Thum (Tổ 4, ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) với mô hình luân canh khoai - lúa trên diện tích 24 ha (gồm 22 ha đất nhà và 2 ha đất thuê).

Là khách hàng nhiều năm gắn bó với Agribank (dư nợ hiện nay là hơn 600 triệu đồng), là người có thâm niên trên 40 năm trong nghề trồng khoai lang, ông Thum có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trồng loại cây đặc sản, cho nên ông luôn chủ động nắm bắt diễn biến và nhu cầu thị trường, thay đổi các giống khoai cho phù hợp, từ khoai lang Dương Ngọc, khoai lang trắng, khoai lang sữa đến khoai lang tím Nhật... Nhờ đó, ông Thum cũng hạn chế được tình trạng thua lỗ và ép giá của thương lái Trung Quốc, kinh tế gia đình ông Thum theo đó cũng dần được cải thiện và trở nên khấm khá. “Không có Agribank tôi khó có thể tạo dựng được cơ nghiệp như ngày hôm nay. Khó có cơ hội làm ra được bạc tỷ sau mỗi vụ khoai lang”, ông Thum chia sẻ.

Chia sẻ về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng mà Agribank cung cấp tới bà con nông dân trong Tỉnh, ông Bùi Thanh Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Từ nguồn vốn của Agribank, hàng nghìn nông dân xã Thành Trung và các xã lân cận đã chuyển đổi cây trồng hiệu quả, hình thành nên vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu ở huyện Bình Tân.

“Xã Thành Trung hiện có trên 95% nông hộ tham gia trồng khoai lang. Trồng khoai tuy vất vả nhưng hiệu quả cao. Có thời điểm, giá khoai lang tím Nhật Bản lên tới 1 triệu đồng/tạ; Có lúc sản lượng khoai lên đến 300 - 400 ngàn tấn. Hầu hết các hộ trồng khoai vào vụ thu hoạch đều phải thuê thêm nhân công trong ấp, vừa góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ dân, vừa giải quyết vấn đề lao động nông nhàn tại địa phương. Nhờ cây khoai lang, cuộc sống của các hộ dân ở huyện Bình Tân đã trở nên khấm khá, no đủ”, ông Việt ghi nhận.

Từ Vĩnh Long, xuôi dòng Tiền Giang chúng tôi đến xứ dừa Bến Tre –  nơi được mệnh danh là vựa trái cây lớn của miền Tây Nam Bộ và đếm thăm khu vườn bưởi da xanh lớn nhất nhì Tỉnh của ông Đàm Văn Long (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Phát huy lợi thế từ loại cây trái đặc sản của địa phương là cây bưởi da xanh, với nguồn vay 200 triệu đồng từ Agribank huyện Châu Thành, ông Đàm Văn Long giờ đây đã sở hữu khu rộng 4 ha, gồm hơn 2000 gốc bưởi da xanh và một số loại cây trái khác. Khu vườn của ông Đàm Văn Long hiện nay đã cho thu hoạch khoảng 1/4 gốc bưởi da xanh với khoảng 2 tỷ/năm. Ước tính khi toàn bộ số gốc bưởi cho thu hoạch thu nhập hàng năm của gia đình ông sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ông Đàm Văn Long tâm sự: Agribank Châu Thành như là một ân nhân của gia đình. Trong suốt 24 năm gắn bó với nghề làm vườn, không biết bao lần phải thay cây đổi đất để phù hợp với điều kiện tự nhiên và xu hướng thị trường nhưng cũng từng đó lần gia đình ông nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Agribank.

Đánh giá cao vai trò của mô hình tổ vay vốn

Bà Phan Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bình Tân - Vĩnh Long cho biết: Hiện nay, nguồn vốn huy động tại địa phương đủ đáp ứng nhu cầu về vay vốn của bà con nông dân. Cụ thể, dư nợ tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng bình quân trên 30%/ năm, chất lượng nợ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép.

“Hoạt động của Chi nhánh ổn định, tạo được lòng tin cho nhân dân trong huyện. Với sự nỗ lực cao của tập thể, Chi nhánh luôn đồng hành, đưa vốn đến tận tay người nông dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới”, bà Thủy cho hay.  

Thực vậy, tương tự mô hình trồng bưởi da xanh hiệu quả của ông Đàm Văn Long, bà con xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre giờ đây đã chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi thành công, tạo thành một vùng chuyên canh bưởi đặc sản ở Bến Tre. Theo ông Trần Cảnh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, hiện nay tổng dư nợ của Agribank trên địa bàn là 110 tỷ đồng.

“Agribank luôn chủ động đến với bà con nông dân, đáp ứng đầy đủ về vốn theo nhu cầu của bà con. Kết quả này có được là nhờ hiệu quả của mô hình tổ vay vốn - những mắt xích quan trọng tại các xã, huyện ở các tỉnh miền Tây, đây là những trợ thủ đắc lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách của Agribank tới tận tay người dân có nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Cảnh Tân thông tin.

Trong nhiều năm qua, mô hình tổ vay vốn - cánh tay nối dài của Agribank đã vươn tới hầu hết các địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ vay vốn đã thực sự phát huy hiệu quả, khơi thông hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại các địa phương. Hiện nay, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank toàn khu vực Tây Nam Bộ là 116.763 tỷ đồng, chiếm 90,9%/tổng dư nợ. Tính đến tháng 3/2018, dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong toàn khu vực là 79.436 tỷ đồng với 682.334 khách hàng còn dư nợ, chiếm 61,8% tổng dư nợ.

Năm 2017, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội của cả nước nói chung cũng như khu vực Tây Nam Bộ nói riêng còn gặp một số khó khăn nhưng các chi nhánh trong khu vực đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt một số chỉ tiêu, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh tại khu vực, đặc biệt đẩy mạnh phương thức cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương, qua đó tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, giảm tải cho cán bộ tín dụng và hạn chế rủi ro.

Từ góp ý của người dân, Agribank các chi nhánh khu vực Tây Nam bộ tích cực phối hợp với các đoàn thể triển khai mô hình cho vay qua tổ vay vốn. Ðến nay đã thành lập gần 2000 tổ vay vốn với hơn 35 nghìn thành viên, chủ yếu thông qua hội Nông dân. Tại huyện Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang, phần lớn người dân sống bằng nghề nông; được sự hỗ trợ của các cấp hội cùng với nguồn vốn tín dụng của Agribank, trong những năm qua, người dân trên địa bàn đã tận dụng triệt để việc chuyển dịch và thay đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều loại cây hoa màu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Gò Công Tây như cây dưa hấu, cây ớt (xã Bình Nhì, xã Yên Luông), cây thanh long (xã Đồng Sơn), cây mãng cầu xiêm (xã Long Vĩnh)...