Chuyển đổi số vì nền nông nghiệp xanh và bền vững

Đức Mạnh

Ngày 17/8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Cùng với đó, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đòi hỏi người dân và doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đối với chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chuẩn về môi trường.

Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" chỉ rõ, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn xác định chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân.

“Quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các địa phương; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều... Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước tại cấp trung ương, địa phương, của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ.

Theo đó, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNIDO, GIZ, IDH, Oxfarm… với nhiều mô hình thí điểm về ứng dụng số hóa trong sản xuất, thu hoạch, phân phối một số loại nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa, tôm, cà phê, cây ăn trái… đã đạt được những thành tựu nhất định.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Patrick Haveman - Phó Trưởng Đại diện UNDP đánh giá cao bước phát triển của ngành Nông nghiệp của Việt Nam. Phó Trưởng đại diện UNDP nêu rõ, năm 2022, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai... xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt kỷ lục 52,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; xuất siêu trên 8,5 tỷ USD.

Ông Patrick Haveman cho biết, trong 2 năm vừa qua, UNDP đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thiết lập một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sáng tạo nhằm theo dõi lượng phát thải khí nhà kính đối với hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là thanh long và tôm.

Đồng thời, ông Patrick Haveman bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, Bộ có thể đẩy mạnh ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc quản lý dấu chân carbon cho tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây trở thành một công cụ thiết yếu để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải CO2 của chuỗi cung ứng.

“Nếu chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng có hệ thống các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh hơn”, ông Patrick Haveman tin tưởng.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành Nông nghiệp.