Thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước giảm 189,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán


Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cầu tiêu dùng của xã hội, từ đó tác động đến số thu ngân sách nhà nước năm 2020. Theo Bộ Tài chính, ước năm 2020 thu ngân sách nhà nước giảm 189,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu ngân sách giảm mạnh do ảnh hưởng bởi đại dịch

Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã thống nhất miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch và các vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành một loạt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Riêng Bộ Tài chính đã ban hành 22 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí, trong đó đã giảm mạnh nhiều khoản phí, lệ phí, như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...

Các gói hỗ trợ tài chính đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh. Đến hết tháng 9/2020, các chính sách trên đã hỗ trợ khoảng 88,4 nghìn tỷ đồng, trong đó: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 71,8 nghìn tỷ đồng; Miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 16,6 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở đánh giá tác động nghiêm trọng của đại dịch đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và các khoản thu ngân sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính ước cả năm thu ngân sách nhà nước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán, giảm 14,7% so thực hiện năm 2019; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 20,7% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP.

Tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước

Cùng với việc kịp thời triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tăng cường chống thất thu ngân sách.

Theo đó, cơ quan thuế đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ ngân sách nhà nước; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ thuế.

Bộ Tài chính ước cả năm thu ngân sách nhà nước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán, giảm 14,7% so thực hiện năm 2019; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 20,7% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP.

Cùng với đó, cơ quan thuế cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cắt giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế.

Trong hoạt động xuất nhập khẩu, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại quốc tế, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn, như: xăng dầu các loại, ô tô nguyên chiếc, sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm mạnh... đã tác động làm giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Cơ quan hải quan đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh về thủ tục hải quan, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính thuế cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Để nỗ lực thực hiện đạt mức cao nhất dự toán thu ngân sách năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, kết hợp việc khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế) với việc đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và xử lý thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng dưới 5% tổng số thu ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, sân bay, cảng biển, trong đó tập trung kiểm tra về trị giá, mã số, xuất xứ đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn...