17 loại phí được chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 176 (2/2017)

Theo Luật Phí và lệ phí, kể từ ngày 1/1/2017, có 44 khoản phí và lệ phí sẽ được thực hiện theo cơ chế giá, trong đó có 17 dịch vụ do Nhà nước định giá, không bao gồm 2 khoản phí là viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo luật chuyên ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá (Nghị định 149) được ban hành cho phù hợp với yêu cầu của thực tế về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quan lý nhà nước trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá, định giá, kê khai giá nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về giá.

Nghị định 149 có một số nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến thẩm quyền và hình thức định giá của Bộ trưởng các bộ và UBND tỉnh đối với danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá; thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đối với một số hàng hóa, dịch vụ; về quy định lập quỹ bình ổn giá; về kê khai giá.

Khi được chuyển từ phí và lệ phí sang cơ chế giá, các dịch vụ này sẽ sử dụng phương pháp tính giá theo Luật Giá, đồng thời cơ bản Nhà nước sẽ không trực tiếp hỗ trợ đối với các dịch vụ này.

Trong đó, đối với các nhóm mặt hàng Nhà nước còn định giá, sẽ tính đúng tính đủ chi phí cung ứng dịch vụ, trường hợp cần tăng giá thì phải thực hiện có lộ trình. Đối với giá các dịch vụ Nhà nước không định giá thì thực hiện theo cơ chế thị trường.

Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, gồm 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, Chính phủ giao thẩm quyền định giá 10/17 nhóm hàng hóa, dịch vụ cho 06 bộ với các hình thức định giá là: Khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu và giá cụ thể tùy từng nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Bộ Tài chính được giao thẩm quyền định giá với 6 nhóm: Sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật, dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải bao gồm dịch vụ đăng kiểm phương tiện thiết bị giao thông vận tải và các công trình khai thác, vận chuyển dầu khí biển, dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y, dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành 12 Thông tư hướng dẫn về cơ chế giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.

Thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ theo quy định và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế trong giai đoạn đầu thực hiện theo cơ chế giá, về cơ bản phần lớn các mức giá các hàng hóa, dịch vụ được Bộ Tài chính quy định tại các thông thư nêu trên bằng các mức phí đang thực hiện năm 2016, một số ít giá dịch vụ được quy định thấp hơn hoặc được tính thêm một số chi phí theo lộ trình.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, về cơ bản, việc chuyển từ phí sang giá do Nhà nước định giá không làm xáo trộn hoạt động cung ứng dịch vụ của đơn vị và việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc theo quy định của pháp luật về quản lý giá và pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị trong việc nghiên cứu, đánh giá để xây dựng giá dịch vụ phù hợp với quy định hiện hành về phương pháp định giá chung theo nguyên tắc xác định giá quy định tại Luật Giá; phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng dịch vụ và tình hình thị trường.

Việc thực hiện chuyển từ phí sang giá đối với các hàng hóa, dịch vụ này không làm ảnh hưởng đến số thu NSNN vì trước đây, các khoản thu từ phí, lệ phí được quy định  nộp một phần vào NSNN, một phần sử dụng để trang trải chi phí, nếu thiếu thì Nhà nước phải bù đắp.

Tuy nhiên, hầu hết các khoản phí đều có mức thu khá thấp, không đủ để trang trải chi phí. Sau khi chuyển sang cơ chế giá, các đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sẽ phải tính toán bù đắp đủ chi phí, Nhà nước sẽ không hỗ trợ chi phí nữa.