30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đạo luật lịch sử

Theo Phương Thủy/daibieunhandan.vn

2018 đánh dấu tròn 30 năm, Việt Nam chính thức thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ thực sự vào nước ta sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Đạo luật lịch sử này được xây dựng, ban hành dưới ánh sáng đổi mới của Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng. 

Tác động hữu hình và vô hình

Phóng viên: Nhìn lại 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn lực đầu tư  này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Sau 30 năm, hiện đã có hơn 318 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta, đóng góp rất lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

FDI đang hiện diện ở hầu hết các ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân (19/21 ngành nghề), và đã có mặt ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta, giúp kết cấu hạ tầng của nền kinh tế (ở nghĩa rộng) khác hẳn.

FDI không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn có một số tác động lan tỏa quan trọng khác. Theo ông, đó là những ảnh hưởng nào?

Tác động lan tỏa cần nói đến đầu tiên chính là thúc đẩy cải cách và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. FDI đã tạo ra hệ kinh doanh có yếu tố quốc tế, thể hiện được tính mở cửa của kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó lực lượng các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng lực quản trị trong nước, thay đổi phong cách, lề lối làm việc của lực lượng lao động, bộ máy quản lý nhà nước. Nói cách khác, vốn đầu tư trực tiếp không chỉ có những kết quả hữu hình, mà còn có những giá trị vô hình đến nền kinh tế.

Không thể phủ nhận những thành quả do đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại cho nền kinh tế nước ta, song thời gian gần đây, đã có không ít lo ngại về dòng vốn này. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng là kết quả đạt được chưa thực sự như kỳ vọng của chúng ta. Chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự cao, chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu, tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng nộp ngân sách chưa tương xứng, thiếu vắng nhà đầu tư từ các nước có công nghệ nguồn thuộc nhóm G7...

Dù đã hiện diện trong 19/21 ngành của hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, song một số lĩnh vực mong muốn thu hút đầu tư nhiều lại yếu (nông nghiệp, chế tạo với giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ…). Tính liên kết với doanh nghiệp trong nước kém. Dù vậy, đánh giá một cách công bằng, thì mặt ưu điểm nổi trội hơn, và những kết quả hôm nay là một minh chứng cho thành công của đường lối đổi mới về kinh tế, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Vận dụng sáng tạo nguyên tắc, tinh thần Hiến pháp

Vốn đầu tư từ nước ngoài chỉ thực sự vào nước ta sau khi QH ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tính lịch sử của đạo luật này là như thế nào, thưa ông?

Trên thực tế, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ năm 1977, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó góp phần khôi phục nền kinh tế, để trong một thời gian ngắn có thể đuổi kịp với các quốc gia khác trên thế giới.

Chủ trương này được cụ thể hóa bằng Điều lệ về đầu tư của nước ngoài tại nước CHXHCN Việt Nam, được ban hành kèm theo Nghị định 115/1977 của Chính phủ. Nhưng quả thực, phải đến năm 1988, sau khi QH ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì dòng vốn FDI mới thực sự vào nước ta.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 là sự đột phá về thể chế kinh tế theo đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng. Câu hỏi được đặt ra khi nhắc đến đạo luật này: Tại sao Hiến pháp năm 1980 quy định nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần (kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể), thì QH vẫn ban hành luật để thu hút đầu tư từ bên ngoài, trong đó có đầu tư của các nước tư bản chủ nghĩa? Song có thể thấy, đạo luật này đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc và tinh thần của Hiến pháp năm 1980, dưới ánh sáng Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Trong đó, có quy định Nhà nước CHXHCN Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác, tương trợ với các nước anh em trong cộng đồng XHCN theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và các bên đều có lợi (Điều 16). 

Theo ông, việc xây dựng, ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để lại những bài học kinh nghiệm hữu ích nào?

Bên cạnh bài học về sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc, tinh thần của Hiến pháp nói trên, thì ban hành luật cho thấy sự khôn khéo, sáng tạo trong thiết kế chính sách được thể hiện trong luật. Ví dụ, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến có trọng lượng đề xuất ban hành một luật áp dụng với các nước xã hội chủ nghĩa, và một luật áp dụng với các nước khác, trong đó có các nước tư bản chủ nghĩa.

Nhưng với quan điểm táo bạo và hết sức đổi mới, Bộ Chính trị đã có kết luận và trên cơ sở đó QH đã đồng thuận cao ban hành một đạo luật để thu hút đầu tư từ tất cả các nước, có tính đến mối quan hệ đặc biệt với mỗi nước. Vì thế, tại Điều 40 của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có quy định: Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong luật, Chính phủ ký với nước ngoài những hiệp định về hợp tác và đầu tư phù hợp với quan hệ kinh tế Việt Nam với mỗi nước.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành, bên cạnh điều kiện tiên quyết từ đường lối, chủ trương đổi mới của Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, thì có vai trò quan trọng của các cán bộ lãnh đạo, ĐBQH, chuyên gia trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, thẩm tra, thông qua luật.

Bài học ở đây là sau khi có đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, để thể chế hóa đường lối, chủ trương này thành luật pháp, thì phải có bộ máy đổi mới, với những con người có tư duy đổi mới, có năng lực thiết kế thể chế, chính sách cụ thể. Đây là bài học luôn luôn đúng với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách ở nước ta, trong đó có công tác lập pháp của QH.

Xin cảm ơn ông!