Bán vốn Nhà nước theo lô: Dễ bán, giá cao

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về bán cổ phần theo lô nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhận được nhiều ý kiến của “người trong cuộc”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết cơ quan này đã dự thảo nội dung của Thông tư bán cổ phần theo lô. Theo đó, nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Số cổ phần mua theo lô sẽ không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm đầu. Quy định này nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua, bán kiếm lời, không tập trung đầu tư phát triển DN.

Quy mô khi mua cổ phần theo lô là toàn bộ số cổ phần cần bán hoặc trên 50% số lượng cổ phần của DNNN cần bán để tổ chức, cá nhân có thể tham gia điều hành công ty. Hiện nay, tỷ lệ chào bán cổ phần ít khiến nhà đầu tư không mặn mà với các kế hoạch cổ phần hóa DNNN. Ngoài ra, việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định để tránh tiêu cực trong thoái vốn tại DNNN.

Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn

Trên thực tế, việc bán cổ phần vốn Nhà nước tại DN theo lô là cơ chế riêng mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện trong nhiều năm qua. Việc ban hành Thông tư sẽ trao cơ chế này cho các Bộ, địa phương để đẩy nhanh việc thoái vốn, cổ phần hóa tại hơn 200 DN trong năm 2015.

Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo cho biết, trong trường hợp Nhà nước muốn bán hết một lần toàn bộ số vốn cần thoái cho một nhà đầu tư (từ các nhà đầu tư tham gia đặt cọc, đấu giá vốn để tìm người trả giá cao nhất) thì áp dụng cơ chế bán cả lô. Khi đó, nhà đầu tư thắng đấu giá sẽ sở hữu toàn bộ số vốn của Nhà nước được bán ra.

Từ thực tiễn, ông Đạo nêu 2 trường hợp xảy ra nếu không thoái vốn theo lô. Một là khi Nhà nước bán đấu giá 51% cổ phần Nhà nước (tại công ty mà NN nắm quyền chi phối) thì có vài ba nhà đầu tư trúng, nhưng tổng số bán chỉ được 30% chẳng hạn (tức là không bán hết được 51%). Thành ra Nhà nước đang từ chỗ chi phối hoạt động của DN thành người không chi phối (còn 21% cổ phần). Sau này, việc bán lại số cổ phần trên sẽ rất khó thực hiện bởi người mua mới chỉ muốn mua được cổ phần nhiều hơn nhằm giữ quyền chi phối DN.

Hai là một nhà đầu tư sở hữu 1 tỷ lệ nhất định cổ phần ở DN, khoảng 31%. Khi Nhà nước bán cả lô 51% thì nhà đầu tư đó chỉ cần mua thêm 20% (trong số 51%) nữa thôi là dừng lại để nắm giữ 51% cổ phần tại DN. Lúc này, Nhà nước còn hơn 30% cổ phần thì hoàn toàn không có tác dụng tích cực trong trường hợp đẩy nhanh thoái vốn.

“Chính vì vậy, việc các Bộ, địa phương đặt vấn đề thoái vốn trọn lô là rất chính xác để đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Khi bán cả lô thì cũng dễ bán và giá bán cũng cao hơn”, ông Đạo khẳng định.

Trên thực tế, SCIC đã bán trọn lô thành công ở 29 DNNN thu được 698 tỷ đồng trong khi giá trị sổ sách chỉ là 243 tỷ đồng. Như vậy Nhà nước lãi 455 tỷ đồng. Giá bán bình quân cao hơn giá trị sổ sách là 5 lần, cá biệt có trường hợp cao hơn tới 21 lần là trường hợp Công ty cổ phần dịch vụ khách sạn, ăn uống Hà Tây. Điểm chung của các trường hợp Nhà nước bán trọn lô thành công là số cổ phần cần thoái đủ lớn để người mua làm chủ DN và có vị trí đất đai thuận lợi.

Mua cả lô khác đầu tư chiến lược

Hiện tại SCIC được thực hiện cơ chế thoái vốn theo lô cũng có gặp những vướng mắc mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Đạo cho rằng điều này không đáng ngại và hoàn toàn có thể xử lý được.

Tổng Giám đốc SCIC nhấn mạnh nguyên tắc: “Thoái vốn theo lô phải được thực hiện công khai, minh bạch, không được bỏ qua bất kỳ trình tự nào”. Theo đó, Nhà nước phải thuê công ty định giá vốn Nhà nước ở lúc khởi điểm đấu giá. Thực hiện định giá cho 1 giá trị khoản vốn bằng nhiều phương pháp, gồm cả giá trị thương hiệu, chiết khấu dòng tiền,... chứ không chỉ có phương pháp tính toán giá trị sổ sách như dự thảo Thông tư. Sau khi định giá xong sẽ báo cáo cơ quan Nhà nước tiếp tục xem xét để quyết định giá tốt nhất.

Ông Lại Văn Đạo cũng góp ý, trong việc thoái vốn trọn lô, không nên nhầm lẫn giữa việc người mua cả lô với nhà đầu tư chiến lược. Để xác định nhà đầu tư chiến lược thì Nghị định số 59/2011/NĐ-CP đã quy định rồi, còn nhà đầu tư mua trọn lô là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trên thị trường.

“Không thể bắt người ta mua cả lô xong rồi 5 năm sau mới được bán và có trách nhiệm với lao động, công nghệ sản xuất. Việc này phải do thị trường quyết định chứ không thể bằng ràng buộc hành chính được. Ông mua trọn lô xong thì có thể tiếp tục lo cho DN phát triển, nhưng cũng có thể bán sang tên cho anh khác ngay được”, ông Đạo nêu ý kiến.

Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP quy định: Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN và hỗ trợ DN sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị DN; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng đồng tình với ông Đạo về quan niệm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua trọn lô.

Ông Vũ Bằng cũng nêu phương án “mạnh dạn” hơn khi bán cổ phần trọn lô để triển khai tốt hơn việc thoái vốn Nhà nước tại DN. Theo đó, trường hợp cần thiết có thể thoái vốn theo phương pháp “dựng sổ”- tức là Nhà nước thỏa thuận với các nhà đầu tư lớn quan tâm tới cổ phần cần thoái để tham gia đấu giá vốn, hoặc Nhà nước chọn một nhà đầu tư duy nhất để thoái vốn theo lô.

Ông Bằng cho rằng quy định nhà đầu tư sau khi mua trọn lô thì sau 5 năm mới được bán, chuyển nhượng cổ phần là “hơi cứng”. “Bán một nhà máy, cảng biển nào đó thì cần thời gian cao hơn nhưng với những DN khác thì không cần thiết 5 năm, chỉ cần 2, 3 năm là được”, ông Bằng nêu quan điểm.