Bất cập trong quản lý loại hình gia công

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Do chưa có phần mềm tập trung đối với hàng hóa gia công và phần mềm theo dõi thanh khoản hợp đồng gia công, dẫn đến việc quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài (theo Thông tư 13/2014/TT-BTC) đang tồn tại nhiều bất cập.

Công chức Hải quan Đồng Nai kiểm tra hàng nhập khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn
Công chức Hải quan Đồng Nai kiểm tra hàng nhập khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn

Thiếu phần mềm

Theo Cục Hải quan Hà Nội, phần mềm quản lý gia công hiện nay không kiểm tra được thương nhân nhận gia công lần đầu do không có dữ liệu tra cứu. Do đó, để nhận biết doanh nghiệp (DN) gia công lần đầu chỉ có cách thương nhân nhận gia công tự cam kết bằng văn bản khi đăng ký hợp đồng.

Thiếu phần mềm quản lý gia công tập trung cũng kéo theo những vướng mắc trong quá trình làm thủ tục, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan cũng như DN. Cụ thể, trong thủ tục thông báo hợp đồng gia công, phần mềm quản lý gia công hiện nay cũng chưa kiểm tra được tình trạng tồn đọng hợp đồng chưa thanh khoản tại chi cục khác mà chỉ kiểm tra được trong phạm vi một chi cục.

Việc nhập các tiêu chí của hợp đồng gia công như: số điện thoại, số tài khoản, họ tên, chứng minh thư nhân dân, địa chỉ cư trú… không thực hiện được; việc theo dõi các tiêu chí này hiện vẫn thực hiện bằng thủ công.

Bên cạnh đó, hiện nay dữ liệu hợp đồng gia công chỉ có trong phạm vi một chi cục, đồng nghĩa với việc không có dữ liệu theo dõi hợp đồng gia công quá hạn của thương nhân trong phạm vi cả nước, nên đối với hợp đồng gia công tồn đọng tại các chi cục Hải quan khác quá hạn chưa thanh khoản, chưa ấn định thuế và cưỡng chế thuế thì hệ thống kế toán KT559 chưa báo để dừng làm thủ tục hải quan theo Luật Quản lý thuế.

Cơ quan Hải quan không thể biết và từ chối tiếp nhận hợp đồng gia công. Để khắc phục những bất cập trên, Cục Hải quan Hà Nội đang đề xuất có dữ liệu và phần mềm theo dõi hợp đồng gia công tồn đọng trong phạm vi cả nước đã quá hạn chưa thanh khoản chưa ấn định thuế và đã ấn định thuế cưỡng chế cho các chi cục tra cứu trước khi tiếp nhận hợp đồng gia công.

Ngoài ra, khi phản ánh về những vướng mắc trong quản lý hàng gia công, Cục Hải quan Hà Nội cũng thấy rằng cơ quan Hải quan vẫn đang bị động khi tiếp nhận các kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất của DN của các cơ quan quản lý khác. Thông tư 13/2014/TT-BTC quy định việc kiểm tra địa chỉ cơ sở sản xuất được thực hiện tại địa chỉ do thương nhân khai trong văn bản giải trình với thương nhân nhận gia công lần đầu hoặc địa chỉ cơ sở sản xuất do thương nhân cung cấp; có thể kiểm tra trực tiếp tại địa chỉ cơ sở sản xuất kết hợp với kiểm tra thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất thông quan chính quyền sở tại như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an, cơ quan Thuế địa phương, tổ dân phố…

Theo Cục Hải quan Hà Nội, nếu không có quy chế phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành sẽ khó đảm bảo tính kịp thời theo quy định về thời gian tiếp nhận hợp đồng gia công. Hiện tại việc phối hợp này không thể xác định được, do vẫn phụ thuộc vào thời gian trả lời yêu cầu xác minh của các cơ quan quản lý khác chứ không phải của cơ quan Hải quan. Điều này gây khó khăn cho thương nhân nhận gia công.

Khó thực hiện

Việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ hải quan đối với loại hình gia công cũng đang phát sinh những bất cập. Theo quy định của Thông tư 13, trường hợp thương nhân đã bị xử phạt gian lận định mức trong thời hạn 365 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, quá thời gian này thì thực hiện kiểm tra định mức. Theo Cục Hải quan Đồng Nai, Thông tư chưa hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra tỷ lệ hay phải kiểm tra tất cả các mã sản phẩm xuất khẩu của DN trong 365 ngày.

Vì vậy, Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Hải quan cần quy định việc kiểm tra theo nguyên tắc xác suất rủi ro, vì nếu kiểm tra tất cả các mã sản phẩm xuất khẩu của DN trong 365 ngày cơ quan Hải quan sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thời gian, nhân lực đối với những trường hợp DN có khối lượng mã sản phẩm xuất khẩu lớn, thường xuyên.

Bên cạnh đó, về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, Thông tư 13 quy định, thủ tục xuất khẩu tại chỗ được thực hiện trước và áp dụng quản lý rủi ro để kiểm tra thực tế hàng hóa; thủ tục nhập khẩu tại chỗ được thực hiện sau và kiểm tra thực tế hàng hóa khi có dấu hiệu nghi vấn thương nhân giao, nhận hàng hóa không đúng với khai trên tờ khai hải quan.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình, khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, hệ thống thực hiện phân luồng tự động ngay khi tờ khai được cấp số. Do đó, trong thực tế, hệ thống không thể đáp ứng việc phân luồng tờ khai để kiểm tra thực tế hàng hóa khi có dấu hiệu nghi vấn việc giao, nhận hàng hóa không đúng với khai trên tờ khai hải quan. Hiện nay, chi cục Hải quan có thể dùng biện pháp can thiệp dừng thông quan để kiểm tra.

Tuy nhiên, khi triển khai VNACCS/VCIS, việc này sẽ khó thực hiện được. Do đó, Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn khi có dấu hiệu nghi vấn thương nhân giao, nhận hàng hóa không đúng với khai trên tờ khai hải quan, Chi cục Hải quan cung cấp thông tin cho Đội Kiểm soát Hải quan để áp dụng các biện pháp kiểm tra phù hợp.

Ngoài ra, trong quy định về thanh khoản hợp đồng gia công, thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản là chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực, thương nhân có văn bản để nghị Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải và được Chi cục Hải quan nơi quản lý hơp đồng gia công xem xét, chấp thuận theo đề nghị của thương nhân.

Theo ông Huỳnh Thanh Bình, thực hiện quy định này, cơ quan Hải quan sẽ gặp một số vướng mắc. Theo đó, vào thời điểm này, do DN chưa nộp hồ sơ thanh khoản nên việc xác định của cơ quan Hải quan về số liệu nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm, phế thải để chấp thuận phương án xử lý của DN là khó thực hiện được. Đồng thời, Thông tư chưa quy định thời hạn cơ quan Hải quan xem xét, chấp thuận theo đề nghị của thương nhân.

Về phía DN, do hợp đồng gia công được thực hiện 1 năm với số lượng tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu lên đến hàng ngàn tờ khai, nên trong thực tế quy định trong 15 ngày xác định được cụ thể số lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải để đưa ra phương án xử lý là rất khó. Lúc này, DN sẽ đưa ra phương án xử lý chung chung (như chuyển sang hợp đồng gia công khác), không chi tiết được số lượng chính xác. Như vậy, cơ quan Hải quan khó có cơ sở xem xét chấp thuận, do Thông tư cũng quy định một số nguyên liệu không được chuyển tiếp hợp đồng khác.

Theo đó, Cục Hải quan Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Hải quan quy định, chậm nhất 30 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực, thương nhân có văn bản đề nghị chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải. Sau đó, trong thời hạn 15 ngày làm việc từ ngày thương nhân có văn bản đề nghị chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phương án giải quyết các nguyên vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải…