Bắt đầu quản chặt hơn game online

TS. Lê Hữu Phương - Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông

(Tài chính) Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/1.

Các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Nguồn: internet
Các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Nguồn: internet

Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, các quy định về hành vi cung cấp trò chơi điện tử trên mạng đã có nhiều thay đổi lớn so với trước đây. Việc phân loại trò chơi điện tử thành các nhóm G1, G2, G3, G4 (trước đây chưa có phân loại này) và yêu cầu công tác quản lý các nhóm này cũng tương ứng với các mức độ xử phạt khác nhau.

Chẳng hạn, hành vi “thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, 3, 4 trên mạng mà chưa có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc sử dụng giấy chứng nhận đăng ký quá hạn” bị phạt tối đa đến 70 triệu đồng.

Riêng đối với nhóm trò chơi G1, nếu “thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi chưa có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép quá hạn” có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.

G1: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

G2: Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

G3: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

G4: Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

Nghị định 72/2013/NĐ-CP

Một số chế tài xử phạt khác nhằm bảo vệ người chơi cũng được quy định chi tiết như “không khuyến cáo các tiêu cực có thể xảy ra đối với người chơi”, “không đảm bảo quyền lợi người chơi theo đúng luật lệ trò chơi”, “không bảo đảm hoặc không có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người sử dụng khi ngừng cung cấp dịch vụ..”… bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Đối với người chơi là trẻ em, nếu “không áp dụng biện pháp, giải pháp hạn chế giờ chơi của trò chơi điện tử G1” sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng.

Ngoài ra, các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cũng được dành riêng một điều khoản chi tiết. Theo đó, các điểm này hoạt động phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, nếu không thì bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Đồng thời, điểm cung cấp dịch vụ hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày cũng bị phạt tiền đến 10 triệu đồng.

Tăng nặng mức phạt nhiều hành vi

Nghị định 174/2013/NĐ-CP cũng có nhiều điều chỉnh đáng chú ý khác, nhiều hành vi vi phạm đã có sự điều chỉnh và có những hành vi mức phạt được quy định tăng nặng. Chẳng hạn, mức xử phạt cao nhất được quy định là 200 triệu đồng đối với tổ chức, nếu cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức xử phạt là 100 triệu đồng.

Hành vi “gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp giấy phép viễn thông” sẽ bị phạt từ 170- 200 triệu đồng, thay cho mức cũ từ 20-30 triệu đồng. Việc tăng mạnh mức phạt được tính toán trên cơ sở những hậu quả của hành vi vi phạm trong thực tiễn.

Nếu trước đây hành vi “lợi dụng việc đình chỉ, tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi hoặc kiểm tra xử lý bưu gửi hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính” bị phạt tiền mức tối đa 20 triệu đồng thì theo quy định mới, mức phạt này tăng gấp đôi.

Đồng thời, việc “trì hoãn, khước từ hoặc có những hành vi khác nhằm trốn tránh việc thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc huy động một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng thông tin để ưu tiên phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin khi có một trong các trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Công nghệ thông tin” sẽ bị phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng, thay thế cho mức phạt cũ 40 triệu đồng.

Hành vi “sử dụng băng tần không có giấy phép” sẽ nằm trong khung phạt tiền cao từ 170 đến tối đa 200 triệu đồng, thay cho mức cũ từ 70-100 triệu đồng.

Bổ sung nhiều hành vi mới

Trong thực tế thời gian qua, nhiều thành phần doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người sử dụng dịch vụ đã dẫn đến xuất hiện các hành vi vi phạm mới. Một số trường hợp tuy đã có văn bản quản lý nhưng chế tài xử phạt vẫn chưa được bổ sung kịp thời.

Điển hình, Nghị định 174/2013/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung chế tài xử phạt, như hành vi sử dụng giấy phép hết hạn sẽ được xem như không có giấy phép.

Ngoài ra, liên quan tới các hành vi vi phạm về trang tin điện tử, trang tin điện tử tổng hợp, ngoài việc cụ thể hóa vi phạm thì Nghị định đã thêm một số hành vi mới nằm trong diện bị xử phạt hành chính, đó là “xây dựng quy trình quản lý thông tin công cộng”, “lưu trữ thông tin tối thiểu 90 ngày”, “sử dụng bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia”, “cung cấp nội dung sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, “không có máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ…”.

Đáng chú ý, nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, nhiều vi phạm trong lĩnh vực này đã được tăng cường xử phạt như “sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ” bị phạt từ 5-10 triệu đồng; hay các hành vi “không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng”, “không thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm, rủi ro khi lưu trữ, trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng”, bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Nghị định 174/2013/NĐ-CP về cơ bản đã bao quát được toàn diện các hành vi vi phạm có thể xảy ra trong hoạt động bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; kịp thời khắc phục lỗ hổng pháp luật, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, internet...

Khi áp dụng vào thực tiễn, Nghị định sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia, đồng thời tạo sự công bằng trong hoạt động của các lĩnh vực này ở Việt Nam.