Bước đột phá về chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

TS. Vũ Thị Thanh Thủy

Ngày 26/08/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2016/TT-BTC về hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Thông tư 133/2016/TT-BTC sẽ thay thế các nội dung áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/09/2006 và Thông tư số 138/2011/TT-BTC ngày 04/10/2011. Bài viết phân tích những chế độ kế toán mới được quy định tại Thông tư này…

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC. Nguồn: Internet.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC. Nguồn: Internet.


Đổi mới, đưa thuận lợi đến doanh nghiệp

Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được Bộ Tài chính ban hành theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC từ năm 2006, đến nay sau 10 năm thực hiện, đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Do vậy, việc ban hành Thông tư 133/2016/TT-BTC có ý nghĩa rất quan trọng đối với DNNVV, tạo thuận lợi hơn cho DN khi các quy định được sửa đổi, điều chỉnh theo hướng đơn giản, chặt chẽ hơn.

Theo đó, Thông tư mới hướng dẫn nguyên tắc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của DNNVV. Tuy nhiên, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của DN đối với ngân sách nhà nước. Đối tượng điều chỉnh bao gồm toàn bộ DNNVV (bao gồm cả DN siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế, (trừ DNNN, DN do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), công ty đại chúng, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Các DNNVV phải thực hiện việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này, song vẫn có thể lựa chọn áp dụng theo chế độ kế toán dành cho DN nói chung quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, khi lựa chọn áp dụng theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC hoặc áp dụng trở lại theo Thông tư này thì cần phải thông báo cho cơ quan thuế biết và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính.

Nếu trong năm tài chính, DN có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này thì vẫn thực hiện cho đến hết năm tài chính hiện tại, sang năm tài chính kế tiếp mới chuyển đổi.

Các mẫu chứng từ kế toán, mẫu sổ kế toán ban hành tại Thông tư này đều thuộc loại hướng dẫn (tham khảo), không bắt buộc. Riêng báo cáo tài chính ban hành tại Phụ lục 2 là mẫu bắt buộc, nếu cần sửa đổi, bổ sung mẫu hoặc các chỉ tiêu trên mẫu thì phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

Ngoài chế độ kế toán mới cho DNNVV, Thông tư còn có phần hướng dẫn riêng cho DN siêu nhỏ theo hướng đơn giản nhất có thể, có hướng dẫn cho DN không đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

DNNVV thực hiện Chế độ kế toán ban hành theo Thông tư này và các chuẩn mực kế toán Việt Nam có liên quan, ngoại trừ các chuẩn mực kế toán Việt Nam được liệt kê trong Bảng 1.

Bảng 1: Một số chuẩn mực kế toán Việt Nam

STT

Số hiệu và tên chuẩn mực

1

CM số 11 - Hợp nhất kinh doanh

2

CM số 19 - Hợp đồng bảo hiểm

3

CM số 22 - Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự

4

CM số 25 - Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con

5

CM số 27 - Báo cáo tài chính giữa niên độ

6

CM số 28 - Báo cáo bộ phận

7

CM số 30 - Lãi trên cổ phiếu

Nguồn: Thông tư số 133/2016/TT-BTC

Tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp


Một nguyên lý bất biến là chính sách muốn đi vào cuộc sống cần phải mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Thông tư 133/2016/TT-BTC bước đầu được đánh giá là có những đổi mới mang tính cởi mở, linh hoạt cao, đưa ra nhiều lựa chọn cho DN.

Tiêu biểu là: Chế độ kế toán chủ yếu quy định đến TK cấp 1, chỉ một số ít TK chi tiết đến cấp 2, mỗi tài khoản chỉ phản ánh một nội dung chứ không có riêng TK ngắn hạn, dài hạn. DN được tự chi tiết và theo dõi ngắn hạn, dài hạn hoặc mở các tài khoản chi tiết theo yêu cầu quản lý của mình.

Mặt khác, quy định mới đã dỡ bỏ toàn bộ sự bắt buộc đối với chứng từ và sổ kế toán. DNNVV sẽ được tự xây dựng hệ thống chứng từ và sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành phù hợp với đặc thù hoạt động của mình miễn là đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán.

Đồng thời, chỉ quy định về nguyên tắc kế toán mà không quy định chi tiết các bút toán. Bằng cách vận dụng nguyên tắc kế toán, DNNVV sẽ được tự quyết định các bút toán ghi sổ sao cho phù hợp nhất với quy trình luân chuyển chứng từ và thói quen của mình miễn là trình bày báo cáo tài chính đúng quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng tạo sự linh hoạt cho DNNVV được tự lựa chọn đồng tiền ghi sổ kế toán khi đáp ứng được các tiêu chí Chế độ quy định; Được tự quyết định ghi hoặc không ghi doanh thu từ các giao dịch nội bộ mà không phụ thuộc chứng từ xuất ra là hóa đơn giá trị gia tăng hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; Được tự quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn nhận từ DN là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu; Được lựa chọn biểu mẫu báo cáo tài chính theo tính thanh khoản giảm dần hoặc phân biệt ngắn hạn, dài hạn theo truyền thống…

Ngoài ra, điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm của DN tại Thông tư này là có sự tách biệt kế toán và thuế, hướng đến phục vụ nhu cầu quản trị, điều hành DN. Quy định mới đã xác định rõ sự khác biệt giữa doanh thu, chi phí, lợi nhuận kế toán so với doanh thu tính thuế, chi phí được trừ và thu nhập chịu thuế.

Cùng với đó, các quy định mới tại Thông tư đã hướng người làm công tác kế toán đến việc nhận biết giao dịch trước khi áp dụng phương pháp kế toán và cách làm này sẽ giúp chúng ta dễ tiếp cận Chế độ kế toán hơn. Phương pháp kế toán phụ thuộc vào bản chất giao dịch và cách thức giao dịch vận hành.

Vì vậy, người làm kế toán giỏi là người nắm được nguyên tắc kế toán, bản chất giao dịch và biết vận dụng nguyên tắc kế toán phù hợp với từng giao dịch.

Tại Thông tư 133/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra các hướng dẫn về đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán. Theo đó, đối với hệ thống tài khoản kế toán, quy định mới hướng dẫn: Trường hợp DN cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

DN có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán DN quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của DN mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.

Đối với báo cáo tài chính, DNNVV căn cứ biểu mẫu và nội dung của các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này để chi tiết các chỉ tiêu (có sẵn) của hệ thống Báo cáo tài chính phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý của từng đơn vị. Trường hợp DN cần bổ sung mới hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

Đối với chứng từ và sổ kế toán, các chứng từ kế toán đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc), DN được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị nhưng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu và phải đảm bảo cung cấp những thông tin theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán.

Có thể nói, Thông tư 133/2016/TT-BTC với những quy định về chế độ kế toán DNNVV đã tạo ra nhiều bước đột phá mới hướng đến DN là đối tượng áp dụng làm trung tâm, ưu tiên mục đích quản trị DN hơn mục đích quản lý nhà nước. Những đổi mới này không những tạo thuận lợi cho DN mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…      

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;

2. Bộ Tài chính, Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/09/2006; Thông tư 138/2011/TT-BTC ngày 04/10/2011; Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014; Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016.