Cải cách thủ tục hành chính thuế: Cần sự chuyển động mạnh từ cấp dưới

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Nhận định về việc triển khai cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính nói chung và ở lĩnh vực thuế nói riêng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc quan ngại rằng, sức nóng về cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia dường như mới ở cấp Chính phủ, bộ, ngành và chưa lan toả, chuyển động ở bộ máy cấp dưới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cải cách phải từ đội ngũ thực thi công vụ

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong giai đoạn 2014-2015 có 2 vấn đề cải cách trọng tâm là cắt giảm thời gian khai, nộp thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế và cái đó ngành Tài chính đã làm được. Tính đến thời điểm 1-1-2015, sau khi thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, số giờ tuân thủ về thuế giảm được 370 giờ/năm. Với kết quả đã đạt được, năm 2015 Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ, để đạt được mục tiêu 171 giờ trong năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.

Ngành Thuế đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý thuế thông qua việc đẩy mạnh kê khai thuế điện tử. Cơ quan Thuế cũng đã phối hợp với 20 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Do vậy, DN hàng tháng, hàng quý không phải cử người đến cơ quan Thuế nộp tờ khai thuế theo phương pháp thủ công.

"Nhìn vào con số trên 97,5% DN đang hoạt động thực hiện khai thuế điện tử qua mạng tại 18/63 tỉnh, thành phố với 40.490 DN đăng ký và thực hiện nộp thuế điện tử sẽ hạn chế được sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và DN. Ngoài ra, cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện camera giám sát cán bộ công chức thực thi công vụ. Theo đó, tất cả hành vi khuất tất đều được ghi lại để có biện pháp xử lý giống như "phạt nguội" của ngành Công an hiện nay. Đây được xem là bước chuyển mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính"- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, để đạt yêu cầu của Chính phủ đến năm 2016 sẽ đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu (kiểm tra trước hoàn thuế thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế thời hạn, kết quả xử lý những khiếu nại về thuế) thì cả hệ thống thuế phải nỗ lực rất nhiều. Vì cộng đồng DN lo ngại rằng vẫn là khoảng cách giữa văn bản và thực thi, nhất là khi tư duy “quản lý dựa trên sự nghi ngờ” vẫn còn đậm nét trong các nội dung quản lý.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng đã thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, thuế hiện vẫn là lĩnh vực DN kêu nhiều nhất. DN gặp khó khăn từ việc đi nộp thuế, hoàn thuế, xin được nộp thuế khiến DN mất thời gian. Đó là chưa kể quá trình hậu kiểm trong thời hạn từ 3 đến 5 năm của cơ quan Thuế lúc nào cũng giống như thanh gươm treo trên đầu DN. Trong khi đó, đôi khi công tác thanh, kiểm tra không phải phụ thuộc vào những quy trình chặt chẽ mà nhiều khi tuỳ thuộc vào cán bộ thuế.

"Đây là vấn đề rất khó nói mà Chính phủ cũng rất khó sửa. Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung luật, chính sách nhằm cắt giảm giờ khai thuế nhưng giám sát hành vi và xây dựng đạo đức đội ngũ thực thi công vụ là chặng đường dài"- ông Võ Hùng Dũng bày tỏ.

Mặt khác, nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ, chưa có bộ, ngành nào rà soát nghiêm túc việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Khi Nhà nước còn ôm nhiều dịch vụ này thì không thể tập trung vào chức năng kiến tạo phát triển được.

Đại diện cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, Nhà nước cần xã hội hoá mạnh các dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công mà xã hội và thị trường có thể làm được. Như vậy, chúng ta vừa tinh giảm được bộ máy nhà nước vừa có điều kiện nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ vì khi họ làm việc với trách nhiệm cao hơn thì phải có mức thù lao tương xứng. Theo ông Lộc, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thuế vì đây được xem là một trong các giải pháp chính nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ đối tượng nộp thuế, đảm bảo thi hành pháp luật được chính xác, thuận tiện, hạn chế vi phạm, giảm thiểu thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho người nộp thuế. Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động của địa lý thuế được ban hành bằng Luật, hệ thống đại lý thuế rất phát triển đã hỗ trợ hiệu quả người nộp thuế và cơ quan Thuế.

Sẽ cắt giảm chứng từ trong hồ sơ khai thuế

Song hành với kết quả đạt được trong cải cách thủ tục hành chính thuế thông qua việc rà soát, giảm được 53 thủ tục hành chính, đơn giản hóa được 262 thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế cũng nhìn nhận hiện còn có số lượng thủ tục quá lớn (432 thủ tục), phức tạp, làm ảnh hưởng đến thời gian của người nộp thuế. Ngoài ra, 24 quy trình quan trọng về về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, giải quyết khiếu nại về thuế... của người nộp thuế chưa được sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, đầy đủ và đảm bảo quán triệt đầy đủ các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính để đưa những chính sách, chế độ mới và những quy định về cải cách thực sự đi vào cuộc sống.

Đó cũng là lý do mà theo Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (DN sản xuất lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Phúc) Ngô Anh Tuấn, tinh thần của nhiều chính sách ưu đãi thuế là rất tốt, hỗ trợ trực tiếp cho DN. Đơn cử như trong mặt hàng thức ăn chăn nuôi, theo luật thuế mới kể từ năm 2015 không áp thuế GTGT 5%. Điều này đã đem lại lợi ích cho DN thông qua việc tiết giảm chi phí sản xuất, tránh được những thủ tục rườm cũng như tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thu nộp và hoàn thuế. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn cụ thể việc miễn thuế như thế nào cho DN đến nay vẫn chưa có.

Do vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, để thực hiện hiệu quả, đầy đủ những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về thể chế chính sách, thủ tục hành chính theo các Luật, Nghị định, Thông tư đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành cuối năm 2014, giải pháp hàng đầu của cơ quan Thuế là rà soát giảm tối thiểu 10% số thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số thủ tục hành chính thuế theo hướng: Giảm số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế; Sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

"Ngành Thuế quyết tâm đổi mới, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ công chức thuế về yêu cầu cần thiết, cấp bách của việc cải cách hành chính thuế, xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể đối với từng vị trí công tác, xây dựng thái độ phục vụ của công chức thuế. Thực hiện nghiêm minh kỷ cương, kỷ luật của ngành Tài chính. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan Thuế. Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng chế độ trách nhiệm công vụ đối với công chức thuế trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh " - ông Bùi Văn Nam cam kết.