Chi phí cho hoạt động cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

PV.

(Tài chính) Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế vừa được Bộ Tài chính ban hành, các biện pháp cưỡng chế áp dụng cho các quyết định hành chính thuế ngay từ khâu thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuế ...

Theo dự thảo Thông tư trên,các đối tượng áp dụng bao gồm: (i) Tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (sau đây viết tắt là cưỡng chế) theo quy định của Luật Quản lý thuế; (ii) Cơ quan thuế, công chức thuế; (iii) Người có thẩm quyền và trách nhiệm cưỡng chế; (iv) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện cưỡng chế.

Các hình thức cưỡng chế được thực hiện như sau: 1. Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, các tổ chức tín dụng; yêu cầu phong toả tài khoản; 2. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; 3. Thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; 4. Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước; 5. Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; 6. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 (một) năm, kể từ ngày ban hành quyết định. Riêng đối với quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày ban hành quyết định

Dự thảo Thông tư cũng quy định chi phí cho các hoạt động cưỡng chế bao gồm:

Nội dung chi phí cho các hoạt động cưỡng chế

Một là, chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế.

Hai là, chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản.

Ba là, chi phí bảo vệ cưỡng chế: Chi cho những người trực tiếp tham gia bảo vệ (người ban hành quyết định cưỡng chế, cảnh sát bảo vệ, nhân viên y tế, cán bộ thi hành quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội,…), chi phí mua nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thiết bị y tế cần thiết phục vụ thi hành quyết định cưỡng chế.

Bốn là, chi phí phòng cháy, nổ (nếu có): Thuê xe cứu hoả, thuê thiết bị phòng cháy chữa cháy, thuê rà, phá bom, mìn và các phương tiện, thiết bị phòng cháy, nổ cần thiết khác.

Năm là, chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên.

Sáu là, chi phí định giá tài sản, bán đấu giá tài sản: tiền thù lao cho các thành viên của hội đồng định giá, chi giám định tài sản (nếu có), tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá, niêm yết, chi phí tổ chức định giá lại tài sản; chi đăng tin thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản; tiền thuê chuyên chở đồ vật, tài sản cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế thuế.

Bảy là, chi cho các thành viên của Hội đồng định giá họp định giá và định giá lại giá tài sản; chi cho những cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia cưỡng chế.

Tám là, chi phí thực tế khác phục vụ cho việc thi hành quyết định cưỡng chế (nếu có).

Chín là, chi phí đăng tải về thông tin người nợ thuế lên phương tiện thông tin đại chúng.

Mức chi cho các hoạt động cưỡng chế

Các chi phí: thuê giữ hoặc bảo quản tài sản; giám định tài sản; tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá; chi đăng tin thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiền thuê chuyên chở đồ vật, tài sản cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế… được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

Các chi phí khác: mức chi được thực hiện theo quy định chung của nhà nước.

Trường hợp nhà nước chưa quy định thì thủ trưởng tổ chức thực hiện cưỡng chế quyết định mức chi thực tế kèm theo hoá đơn, chứng từ hợp pháp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nguồn kinh phí bảo đảm cho chi phí thi hành quyết định cưỡng chế

Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế: được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác liên quan.

Chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế chịu và được lập dự toán đồng thời với việc ban hành quyết định cưỡng chế và được quyết toán khi kết thúc vụ việc cưỡng chế. Trường hợp chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế phải chịu nhưng cơ quan thuế chưa thu được, cơ quan thuế được phép tạm ứng từ nguồn kinh phí hoạt động của ngành Thuế và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hành chính. Mức tạm ứng không quá một trăm (100) triệu đồng. Đối với những vụ việc có mức chi phí cưỡng chế lớn, số tiền được phép tạm ứng sử dụng không đủ thì cơ quan thuế báo cáo cơ quan cấp trên để xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.